Trung Thu không chỉ là dịp đoàn viên mà còn là cơ hội kinh doanh tuyệt vời cho những ai đam mê ẩm thực. Việc làm bánh trung thu ngon, chuẩn công thức không chỉ giúp bạn tạo ra những chiếc bánh hấp dẫn mà còn mang lại lợi nhuận khổng lồ. Trong bài viết này, Sổ Bán Hàng sẽ hướng dẫn bạn cách làm bánh trung thu theo đúng công thức chuẩn, giúp bạn bán đắt như tôm tươi và hốt bạc trong mùa Trung Thu.
>>Mời bạn xem thêm: Đam mê làm bánh, 9X vừa làm trưởng nhóm vừa kinh doanh online hiệu quả nhờ Sổ Bán Hàng
1. Dụng cụ làm bánh trung thu
- Khuôn bánh
- Lò nướng
- Dụng cụ trộn và cán bột
- Dụng cụ cân đong
- Chảo chống dính
Cách nấu nước đường:
- 300g đường trắng (đường tinh luyện)
- 5ml nước cốt chanh
- 300ml nước
Đun sôi 300ml nước, sau đó cho vào 300gr đường rồi hạ lửa nhỏ, thêm 5ml nước cốt chanh và đun thêm 15 phút, tắt bếp và lọc qua rây. Để nguội sau đó có thể đem làm bánh.
2. Cách làm vỏ bánh trung thu chuẩn công thức
2.1. Vỏ bánh nướng
Nguyên liệu:
- 300g bột mì
- 200g nước đường bánh
- 80ml dầu ăn
- 1 thìa cafe nước tro tàu
- 1 lòng đỏ trứng gà
Cách làm:
Bước 1: Trộn đều bột mì, nước đường, lòng đỏ trứng gà và dầu ăn trong một tô lớn.
Bước 2: Nhồi nhẹ nhàng cho đến khi bột trở thành khối đồng nhất. Thêm một thìa nhỏ nước đường và nửa muỗng dầu ăn vào và tiếp tục nhồi bột.
Bước 3: Bọc bột lại bằng màng bọc thực phẩm và để nghỉ trong khoảng 30 – 40 phút.
Bước 4: Sau khi đã ủ đủ thời gian, lấy bột ra và nặn thành những viên tròn có kích thước gấp đôi so với nhân bánh.
2.1. Vỏ bánh dẻo
Nguyên liệu:
- 100g đường
- 10ml dầu thực vật
- 300g bột bánh dẻo
- 10ml tinh dầu hoa bưởi
Cách làm:
Bước 1: Hòa đường và nước nóng với tỷ lệ 1:1, đun nhỏ lửa cho đến khi đường tan. Thêm chút nước cốt chanh và đun cùng khoảng 1 phút trước khi tắt bếp.
Bước 2: Thêm 2 thìa dầu thực vật và tinh dầu bưởi vào nồi nước đường đã sôi.
Bước 3: Cho bột bánh dẻo vào nồi nước đường còn nóng, sử dụng dụng cụ khuấy để trộn đều bột. Khi bột nguội bớt, tiếp tục nhồi bột bằng tay để đạt được độ dẻo mịn mà không dính tay.
Bước 4: Phủ một lớp ít bột khô lên bề mặt bàn làm việc, đặt khối bột bánh dẻo lên trên, phủ thêm một lớp bột khô nữa và để nghỉ khoảng 30 phút.
3. Công thức làm nhân bánh trung thu
3.1. Nhân bánh đậu xanh
Nguyên liệu:
- 200g đậu xanh đã bóc vỏ
- 150g đường
- 30g bột bánh dẻo
- 50ml dầu ăn
Cách làm:
Bước 1: Rửa sạch đậu xanh và ngâm trong khoảng từ 2 – 4 tiếng để đậu nở ra.
Bước 2: Đun đậu với 500ml nước và một chút muối trong khoảng 15 phút cho đến khi đậu chín mềm. Ủ đậu thêm 10 phút.
Bước 3: Xay nhuyễn đậu xanh, sau đó cho vào chảo chống dính cùng đường và sên lên. Đảo đều tay và liên tục cho đến khi đậu xanh sôi lên.
Bước 4: Hạ nhỏ lửa, cho từ từ dầu ăn vào và khuấy đều.
Bước 5: Hòa tan bột bánh dẻo với nước, đổ từ từ vào đậu xanh và tiếp tục đảo đều đến khi nhân sệt lại.
3.2. Công thức làm nhân bánh thập cẩm:
Lạp xưởng: 100g (luộc chín và cắt hạt lựu)
Hạt dưa tách vỏ: 100g
Hạt điều: 100g
Hạt sen: 100g
Mứt bí: 100g
Mứt vỏ cam: 100g
Mứt vỏ chanh: 100g
Mứt gừng: 100g
Mè trắng: 100g
Rượu mai quế lộ: 50ml
Nước hoa bưởi: 1 muỗng cà phê
Muối: 1 muỗng cà phê
Bột bánh dẻo: 10g
Dầu mè: 20ml
Cách làm:
Bước 1: Trộn đều 100g hạt dưa tách vỏ, 100g hạt điều và 100g mè trắng trong tô. Sấy khô hạt trong lò vi sóng 4 phút ở công suất trung bình.
Bước 2: Cho thêm vào tô 100g hạt sen, 100g mứt bí, 100g mứt vỏ cam, 100g mứt vỏ chanh, 100g mứt gừng, 100g lạp xưởng, 50ml rượu mai quế lộ, 20ml dầu mè, 1 muỗng cà phê nước hoa bưởi, 10g bột bánh dẻo và 1 muỗng cà phê muối. Trộn đều đến khi hỗn hợp nhân bánh hòa quyện hoàn toàn.
3.3. Nhân bánh trà xanh
Nguyên liệu
- Đậu xanh: 320g
- Đường: 100g
- Bột trà xanh: 6g
- Dầu ăn: 60ml
- Nước ấm: 20ml
- Một chút muối
Cách làm
Bước 1: Rửa sạch đậu xanh, sau đó ngâm đậu trong nước ấm từ 3-4 giờ hoặc ngâm nước lạnh qua đêm để đậu nở mềm.
Bước 2: Sau khi ngâm, vớt đậu ra và rửa lại với nước sạch để loại bỏ nước chua.
Bước 3: Cho đậu xanh vào nồi, đổ nước vừa ngập đậu, thêm một chút muối rồi đun với lửa vừa. Trong quá trình nấu, khuấy đều tay để đậu không bị dính đáy nồi. Khi nước sôi, vớt bọt và hạ nhỏ lửa, đun đến khi đậu chín mềm.
Bước 4: Khi đậu đã chín mềm, để nguội bớt rồi cho vào máy xay nhuyễn cùng với đường cho đến khi hỗn hợp mịn.
Bước 5: Sử dụng chảo chống dính đáy dày, cho đậu xanh đã xay nhuyễn vào chảo và bắt đầu sên. Pha bột trà xanh với nước ấm cho tan đều, sau đó từ từ đổ vào chảo đậu đang sên.
Bước 6: Khuấy đều tay cho đến khi hỗn hợp bắt đầu nặng tay, sau đó chia dầu ăn thành từng phần và thêm từ từ vào nhân đậu xanh. Tiếp tục sên cho đến khi nhân ráo và không còn dính dầu.
Bước 7: Khi nhân đã đạt yêu cầu, tắt bếp và để nguội. Sau đó tiến hành làm các bước tiếp theo.
3.4. Công thức làm nhân bánh trung thu Lava trứng chảy
Nguyên liệu:
Phần nhân tan chảy (sốt trứng muối):
- Bơ mặn: 15g
- Bột custard: 7g
- Bột bắp: 7g
- Đường: 25g
- Lòng đỏ trứng muối đã nấu chín xay nhỏ: 15g
Phần nhân mềm custard:
- Whipping cream: 40g
- Nước cốt dừa: 40g
- Bơ mặn: 25g
- Đường: 38g
- Bột custard: 25g
- Sữa bột: 30g
- Trứng cả quả: 40g
- Sữa đặc: 35g
- Lòng đỏ trứng muối đã chín xay nhỏ: 30g
Cách làm:
Bước 1: Sơ chế lòng đỏ trứng muối sống
- Ngâm 5 lòng đỏ trứng muối với rượu để bớt mùi tanh.
- Vớt trứng ra, phết một ít dầu mè lên mặt trứng cho thơm.
- Hấp trứng trong 5 phút rồi để nguội, sau đó xay nhuyễn trứng khi còn nóng.
Bước 2: Làm phần nhân chảy chuẩn công thức bánh trung thu
- Cho 15g bơ mặn vào lò vi sóng trong 15 giây để bơ tan chảy.
- Trộn bột custard, bột bắp và đường trắng trong nồi.
- Cho từ từ nước vào hỗn hợp, vừa cho vừa khuấy đều để tránh bị vón cục. Khi hỗn hợp chuyển màu vàng cam, thêm bơ đã tan chảy và khuấy đều.
- Đun hỗn hợp trên bếp với lửa vừa, khuấy đều đến khi sệt lại. Thêm 15g trứng muối đã xay nhuyễn vào và khuấy đều.
- Trải màng bọc thực phẩm, đổ hỗn hợp trứng chảy lên, gấp đôi màng bọc lại và tạo thành một thanh dài. Đem hỗn hợp vào tủ đông khoảng 1-2 tiếng.
- Chia hỗn hợp thành 12 phần đều nhau, vo tròn và để vào đĩa. Bọc màng thực phẩm và để vào tủ đông từ 4-8 tiếng để đông cứng.
Bước 3: Trộn nhân custard
- Trộn bột custard, sữa bột và trứng đã đánh tan vào cùng với sữa đặc, khuấy đều thành hỗn hợp màu vàng sánh mịn.
- Đun nóng whipping cream, nước cốt dừa, đường và bơ mặn trong nồi với lửa vừa, khuấy đều đến khi hỗn hợp hòa quyện.
Bước 4: Đun phần nhân custard
- Kết hợp hỗn hợp nóng với hỗn hợp bột màu vàng, khuấy đều và đun trên lửa vừa cho đến khi đặc sệt, không dính phới.
Bước 5: Hoàn thành phần nhân custard
- Xay hỗn hợp custard cùng phần trứng muối xay còn lại cho đến khi mịn.
- Đổ hỗn hợp ra tô, dàn đều và bọc kín bằng màng thực phẩm. Để nguội trong ngăn mát tủ lạnh.
- Khi nhân đã nguội, chia thành 12 phần bằng nhau.
Bước 6: Bao phần nhân chảy bằng phần nhân mềm custard
- Bọc mỗi phần nhân chảy bằng phần nhân custard đã chia. Lưu ý, lấy nhân chảy từng phần nhỏ để tránh bị chảy.
- Vo tròn từng viên nhân cẩn thận và bọc kín, sau đó để vào tủ đông cứng.
3.5. Công thức làm nhân sen nhuyễn cho bánh trung thu
Nguyên liệu:
Hạt sen tươi: 200g (hoặc hạt sen khô: 100g)
Dầu ăn: 75g (dầu đậu phộng hoặc dầu dừa)
Đường: 80g
Bột mì đa dụng: 10g
Nước: 30ml
Cách làm:
Bước 1: Cho hạt sen vào nồi và nấu trên lửa to. Khi thấy nước sôi, bạn hạ lửa vừa rồi nấu thêm 3 – 4 phút nữa nếu là hạt sen tươi hoặc 12 – 15 phút nếu là hạt sen khô. Bạn thấy hạt sen nở to hết cỡ là được.
Bước 2: Đổ hạt sen ra rổ cho ráo nước, tách đôi hạt và bỏ tâm sen để làm bánh trung thu khi ăn không bị đắng. Sau đó bạn cho hạt sen vào nồi, đổ ngập nước, nấu trên lửa vừa đến khi hạt sen chín mềm.
Bước 3: Cho hạt sen vào máy xay sinh tố, sau đó xay nhuyễn. Bạn nên xay hạt sen với nhiều nước, cách này sẽ giúp hỗn hợp mịn hơn.
Bước 4: Hòa tan 10g bột mì trong 30ml nước. Rây lọc phần sen vừa xay vào chảo, cho thêm 80g đường, 75g dầu ăn rồi khuấy đều liên tục trên lửa vừa.
Bước 5: Khi nhân bắt đầu hơi sệt, bạn cho vào nước bột mì, sau đó khuấy đều. Khi thấy hỗn hợp đặc và bắt đầu dính vào chảo, bạn hạ xuống lửa nhỏ nhất. Tiếp tục khuấy đến khi nhân thành khối dẻo, mịn, khô và hoàn toàn không mềm hay chảy nhão.
Như vậy là đã hoàn thành bước làm nhân sen nhuyễn cho bánh trung thu.
4. Cách đóng bánh trung thu
Bước 1: Chuẩn bị nguyên liệu và khuôn:
- Chia bột làm vỏ bánh và nhân thành 10 phần đều nhau.
- Trước khi đóng bánh, rắc một ít bột mì lên khuôn, đặc biệt chú ý thoa kỹ các đường nét hoa văn để tránh bánh dính vào khuôn và mất nét.
Bước 2: Đóng bánh:
- Lấy viên bột và cho vào khuôn, dùng tay ép chặt từ 10 – 15 giây để bánh được định hình rõ nét.
- Nhẹ nhàng lấy bánh ra khỏi khuôn và xếp lên khay đã chuẩn bị sẵn giấy nến.
- Tiếp tục thoa bột lên khuôn và đóng bánh cho đến khi hết bột.
*Lưu ý về cách làm tỷ lệ vỏ và nhân bánh trung thu chuẩn công thức:
- Khuôn 50g: 20g vỏ bánh, 30g nhân.
- Khuôn 75g: 30g vỏ bánh, 45g nhân.
- Khuôn 125g: 50g vỏ bánh, 75g nhân.
- Khuôn 150g: 60g vỏ bánh, 90g nhân.
5. Cách nướng bánh trung thu chuẩn công thức nhà làm
Bước 1: Trước khi nướng, làm nóng lò nướng trước 10 phút ở nhiệt độ 180°C.
Bước 2: Nướng bánh lần 1 ở 180°C trong 15 phút. Sau đó, lấy bánh ra khỏi lò, xịt nước lên bề mặt và để bánh nghỉ thêm 15 phút.
Bước 3: Phết mặt bánh: Trộn lòng đỏ trứng gà, 1 muỗng cà phê dầu ăn và 1 muỗng sữa tươi. Rây mịn hỗn hợp rồi dùng cọ lông mềm phết lên mặt bánh sau khi nướng lần 1.
Bước 4: Nướng bánh lần 2 ở 180°C trong 10 phút cho đến khi bánh có màu vàng ươm.
*Lưu ý:
- Bánh trung thu dẻo không cần nướng nên bạn cần chú ý khâu sên nhân và pha bột để đảm bảo bánh có độ dẻo mịn và không bị chảy nhân.
- Tạo màu vỏ bánh dẻo bằng cách sử dụng nước ép từ các nguyên liệu tự nhiên như thanh long đỏ, cà rốt, cacao, cam, tinh bột nghệ để tạo ra những màu sắc đa dạng và hấp dẫn.
6. Cách bảo quản bánh trung thu
Bảo quản bánh trung thu chuẩn công thức sau khi đã làm xong:
- Để giữ bánh trung thu lâu hơn, bạn nên bọc bánh trong túi hút chân không hoặc gói kín lại. Bánh có thể được bảo quản ở nhiệt độ thường hoặc ngăn mát tủ lạnh từ 5 đến 12 ngày.
- Ngoài ra, bạn có thể bảo quản bánh trong ngăn đông tủ lạnh. Khi muốn ăn, chỉ cần lấy bánh ra và quay trong lò vi sóng hoặc lò nướng.
Bảo quản nhân bánh chưa sử dụng hết:
- Nhân bánh chưa sử dụng hết có thể được bọc kín bằng màng bọc thực phẩm và bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh trong 1 ngày.
- Để bảo quản lâu hơn, bạn có thể cho nhân vào ngăn đông tủ lạnh, nơi nhân bánh có thể giữ được trong khoảng 3 tuần. Khi cần dùng, chỉ cần rã đông nhân ở nhiệt độ thường cho đến khi nhân mềm trở lại là có thể sử dụng được.
Lưu ý:
- Đảm bảo gói kín bánh và nhân để tránh tiếp xúc với không khí, giúp kéo dài thời gian bảo quản.
- Để bánh trung thu ở nơi thoáng mát và tránh ánh nắng trực tiếp để duy trì chất lượng bánh.
Việc kinh doanh bánh trung thu handmade không chỉ đòi hỏi kỹ năng làm bánh mà còn cần sự sáng tạo trong việc thiết kế bao bì và chiến lược tiếp thị hiệu quả. Hãy tận dụng mạng xã hội, các kênh bán hàng trực tuyến và cửa hàng truyền thống để tiếp cận nhiều khách hàng hơn. Sổ Bán Hàng chúc bạn thành công trong việc kinh doanh bánh trung thu handmade và mang đến cho khách hàng những trải nghiệm thú vị và công thức làm bánh ngon miệng trong dịp Tết Trung Thu!
>> Mời bạn xem thêm:
Sổ Bán Hàng cùng chủ kinh doanh giải bài toán: Làm sao để tiếp cận thêm khách hàng?
Sáng tạo nội dung: Tăng tỷ lệ chuyển đổi đơn hàng khi kinh doanh trên mạng xã hội
Ra mắt FinanEcom – Giải pháp tự động xuất hóa đơn và ước tính thuế TMĐT
FinanPOS – Chính thức ra mắt giải pháp quản lý bán hàng hiện đại cho doanh nghiệp