Sáng tạo nội dung: Tăng tỷ lệ chuyển đổi đơn hàng khi kinh doanh trên mạng xã hội

Chia sẻ bài viết:

Buổi chia sẻ “Làm chủ sáng tạo – Bùng nổ doanh thu” nằm trong khuôn khổ chương trình hợp tác giữa Sổ Bán Hàng và CARE tại Việt Nam, với sự tài trợ của Trung tâm Tăng trưởng Toàn diện Mastercard đã diễn ra vào lúc 19h30 ngày 14/06/2024 trên Fanpage Sổ Bán Hàng trong không khí hào hứng, nhiều kinh nghiệm quý báu được truyền tải đến các chủ kinh doanh.

Cùng sự dẫn dắt từ diễn giả Thiều Thanh Yến, chuyên gia Digital Marketing đến từ Sổ Bán Hàng – anh Nguyễn Thành Chinh và MC Thanh Giang, đây được xem là buổi chia sẻ trực tuyến nhận được nhiều sự quan tâm từ chủ kinh doanh nhất từ trước tới nay khi lượt xem trực tiếp trên Zoom và Fanpage Sổ Bán Hàng đạt gần 1.000 mắt xem cùng lúc, gần 180.000 lượt phát lại chỉ trong 2 ngày.

Trong hơn 1 tiếng giao lưu, nữ chủ kinh doanh thành công – Thiều Thanh Yến đã chia sẻ những kinh nghiệm và bí quyết trong hành trình 10 năm dùng mạng xã hội để mở rộng, phát triển việc kinh doanh; xây kênh 600.000 followers và đạt kỷ lục bán 50.000 đơn/tháng.

Nội dung chính của buổi chia sẻ xoay quanh các chủ đề kinh doanh thành công trên mạng xã hội:

  • Kinh doanh trên MXH có phải là xu hướng bền vững cho tương lai?
  • Chi phí và nguồn lực khi tham gia kinh doanh trên MXH.
  • Cách tìm ra được insight khách hàng và làm content để tăng tỷ lệ chuyển đổi.
  • Nền tảng hỗ trợ miễn phí các doanh nghiệp sáng tạo nội dung trên MXH.
  • Q&A về cách bán hàng trên MXH.

>>Mời bạn xem thêm: Chi tiết chương trình đào tạo “Nữ chủ kinh doanh – Chinh phục thời đại số”

1. Kinh doanh trên mạng xã hội có phải là xu hướng bền vững cho tương lai?

1.1. Tiềm năng phát triển của xu hướng bán hàng trên mạng xã hội

Nhận định về tiềm năng của việc kinh doanh trên mạng xã hội (MXH), anh Nguyễn Thành Chinh – Trưởng phòng tiếp thị số của Sổ Bán Hàng cho rằng:

“Kinh doanh trên MXH hiện đang trở thành một xu hướng phổ biến và hiệu quả, vượt qua cả website và sàn thương mại điện tử trong việc tiếp cận khách hàng. Đây không chỉ là một xu hướng tạm thời mà có tiềm năng trở thành một phần quan trọng và bền vững trong chiến lược kinh doanh của các nhà bán hàng”.

Điều này đặc biệt rõ rệt với sự phát triển của các nền tảng như TikTok Shop. TikTok Shop không chỉ là một mạng xã hội và còn kết hợp với thương mại điện tử, giúp người bán có thể vừa xây dựng nội dung để tiếp cận khách hàng, vừa có thể bán hàng trực tiếp cho các followers của mình.

Như vậy, khi xây dựng nội dung kênh bán hàng TikTok Shop, người bán cần lưu ý điều gì nhất so với các sàn thương mại như Lazada hay Shopee?

Câu trả lời chínhNội dung sáng tạo và hấp dẫn. TikTok là một nền tảng tập trung vào video ngắn và cần sự sáng tạo. Bạn cần tạo ra các video thú vị, bắt mắt và phù hợp với đối tượng khách hàng của mình. Các video nên có yếu tố hài hước, giáo dục hoặc tạo cảm hứng để thu hút người xem.

Có thể trong tương lai sẽ có những nền tảng mới, những sàn thương mại mới như một sân chơi để người mua người bán gặp nhau. Vì vậy, để có thể dễ dàng tiếp cận nhanh những nền tảng mới, người bán cần đóng gói thương hiệu và sản phẩm của mình lại để khi có một nền tảng mới, một sàn thương mại điện tử mới xuất hiện mình chỉ cần áp vào và đồng bộ hình ảnh của mình giữa các sàn để giúp người mua dễ dàng tìm kiếm hơn.

Sáng tạo nội dung: Tăng tỷ lệ chuyển đổi đơn hàng khi kinh doanh trên mạng xã hội

1.2. Tại sao nên chọn kinh doanh trên MXH?

Với số lượng người sử dụng mạng xã hội ngày càng tăng, việc nắm bắt thời cơ để kinh doanh online là một sự lựa chọn vô cùng sáng suốt. Diễn giả Thiều Thanh Yến là một ví dụ điển hình – Nữ chủ kinh doanh thành công nhờ sáng tạo nội dung trên MXH.

Chia sẻ vềlý do chọn mạng xã hội là kênh phát triển chính cho cửa hàng cũng như về hành trình kinh doanh của mình, chị Yến chia sẻ:

“Khi bán offline, để có chi phí mở 1 gian hàng, trước hết mọi người phải có 1 khoản chi phí, mất thời gian bày biện sản phẩm, ngồi ở chỗ bán của mình. Trong khi kinh doanh trên MXH, mình không cần xuất hiện mỗi ngày, nửa đêm mình ngủ mình vẫn bán được hàng, thậm chí ngày hôm đó mình không có ở nhà, hàng vẫn có thể đi hàng được. Cho dù ban đầu mình không có kho hàng ở đó mình vẫn bán được hàng“.

Việc bán hàng trên MXH giúp tiếp cận được lượng khách hàng tiềm năng lớn ở khắp mọi vùng miền tổ quốc, thậm chí là ở nước ngoài thay vì chỉ một lượng khách hàng cố định trong một khu vực nhất định. Bán online giúp tiết kiệm thời gian, chi phí đầu tư ban đầu, giúp tương tác trực tiếp với khách hàng, tạo dựng thương hiệu và quảng bá sản phẩm hiệu quả, chi phí marketing thấp và dễ dàng theo dõi hiệu quả chiến dịch hơn bao giờ hết.

“TikTok đã thay đổi hoàn toàn câu chuyện về hành vi của người tiêu dùng. Khi TikTok Shop ra đời là khi người ta mua hàng, mua đồ và chi tiền cho những món đồ mà họ thậm chí không có nhu cầu” – Chị Yến nhìn nhận về xu hướng mua hàng hiện nay.

TikTok giúp chủ kinh doanh bán hàng dễ hơn. Nếu ngày xưa chỉ làm nội dung khi muốn xây dựng tên tuổi cá nhân, thì bây giờ tất cả các nhà bán hàng đều có thể làm nội dung, tìm được khách, tìm được những người thích nội dung của mình.

“Mọi người xem, mọi người vui – mọi người vui thì dễ tạo ra chuyển đổi“.

Nội dung chia sẻ không cần là những điều quá to tát. Đó có thể là câu chuyện khởi nghiệp, nhất là chị em phụ nữ khởi nghiệp ở thôn quê, vùng miền hay những mẹ bỉm sữa vừa chăm con vừa kinh doanh trên mạng xã hội,… Rất nhiều câu chuyện có thể chia sẻ.

>>Mời bạn xem thêm: Thu nhập tốt hơn cùng Sổ Bán Hàng, chủ kinh doanh online nhắn nhủ “Phụ nữ hãy tự chủ kinh tế!”

2. Chi phí và nguồn lực khi tham gia kinh doanh trên mạng xã hội

Câu hỏi được đặt ra “liệu việc sử dụng các kênh MXH để phát triển kinh doanh cửa hàng liệu có tốn quá nhiều chi phí và nguồn lực không?”. Điều này có thể đo lường được không và nếu có thì bằng cách nào?

Sáng tạo nội dung: Tăng tỷ lệ chuyển đổi đơn hàng khi kinh doanh trên mạng xã hội

Trước khi trở thành Nhà sáng tạo có doanh số tốt và chi phí tốt được chứng nhận bởi TikTok, diễn giả Thiều Thanh Yến cũng trải qua quá trình dài để xây dựng việc kinh doanh của mình.

“Ở giai đoạn đầu, Yến từng không biết làm gì, và luôn bỏ tiền để tìm người làm. Muốn làm nội dung, Yến tìm các bạn content về làm. Muốn đóng hàng, Yến tìm nhân sự về hỗ trợ.

Lúc bắt đầu, chưa ai biết mình là ai, điều này dẫn tới việc không có chuyển đổi, nên việc có nhiều nhân sự lúc này là chưa phù hợp. Lời khuyên từ diễn giả là nên bỏ cái mác làm chủ qua một bên và tự mình làm. Mình phải là người làm được tốt, sau đó khi đã có doanh thu mới tìm người vào thế chỗ của mình, làm thay một số đầu việc của mình khi mình quá tải. Và đặc biệt, đừng lấy mô hình của mình để so sánh với những công ty lớn.

Lãi ảo – Lỗ thật – Bán càng lúc càng nhiều – Kho hết mà tiền mặt thì không có?

Đây là tình trạng nhiều người mới bắt đầu gặp phải, và cũng là bài học lớn mà diễn giả Thanh Yến từng trải qua trên chặng đường của mình khi lỗ lũy kế hàng trăm triệu một tháng. Vì vậy, Yến đặc biệt nhấn mạnh việc quản lý kỹ chi phí khi bán sàn.

Khi buôn bán trên MXH, ngoài giá vốn hàng bán, cần phải tính tiền điện, lương bản thân, phí cho sàn như: Phí gian hàng, phí thanh toán, phí rút tiền, phí freeship,… Khi đã mở rộng việc kinh doanh thì phải có chi phí kho bãi và văn phòng. Sau khi trừ những phần này ra thì phần còn dư mới là lãi.

3. Cách tìm ra được insight khách hàng và làm content để tăng tỷ lệ chuyển đổi

“Cần lên bao nhiêu clip mới kết luận được kênh này sống hay không? Thực hiện được 100 clip mà vẫn flop thì phải làm như thế nào” – đây là câu hỏi được chủ kinh doanh Đinh Chi đặt ra cho diễn giả.

Chìa khóa cho câu hỏi này là phải tìm ra được insight khách hàng và làm content. Chị Yến lấy ví dụ:

“Khi đi ra chợ mua thịt, đa số mọi người thường sẽ có “bà mối” và đi thẳng vào quầy đó chứ không đi lung tung. Sự khác biệt về tính cách, hành vi, diện mạo tạo nên cảm giác khi mua của người đó bạn sẽ thấy vui, xứng đáng. Đây chính là định vị thương hiệu: khi một người bán xác lập được nhận diện, dấu ấn trong lòng khách hàng.”

Trên MXH cũng vậy. Trong quá nhiều đám rừng xung quanh và khi có quá nhiều cây, để khách hàng xem mình thì đầu tiên phải hiểu nhu cầu khách hàng ở đâu. Mình không thể bán được thịt trong khu người ta ăn chay, dù thịt nhà mình rất ngon. Hay nói cách khác nếu mình bán cho những người không có nhu cầu thì rất khó chuyển đổi.

Đầu tiên khi xây kênh thì phải tìm được câu trả lời “Tại sao người ta cần sử dụng sản phẩm của mình?”. Và bằng mọi cách phải tạo dựng được niềm tin nơi người tiêu dùng. Chẳng hạn như việc kể câu chuyện mình làm ra sản phẩm như thế nào, quy trình, tâm đắc khi làm ra sản phẩm, cái “đã” của mình khi làm ra sản phẩm. Những điều này nên được thể hiện cặn kẽ và chi tiết bằng hình ảnh để tạo sức thuyết phục.

Sáng tạo nội dung: Tăng tỷ lệ chuyển đổi đơn hàng khi kinh doanh trên mạng xã hội

Khi nói về cái “xịn” của 1 sản phẩm quá nhiều thì sẽ không còn ý tưởng để làm nữa?

Cái cuối cùng một sản phẩm mang lại là tác dụng của nó trong đời sống. Chẳng hạn khi bạn bán rau organic, không độc hại. Như vậy ngoài quay quy trình, người nông dân, có thể quay cả những ngày rau bị hỏng, hay đầu tư kiểm nghiệm để minh chứng rau có chứa kim loại nặng, thuốc này thuốc kia không. Khi bạn tìm cách để chứng minh rau sạch, vậy khi sạch thật ăn vào nó sẽ như thế nào? Bạn cũng có thể quay video hướng dẫn mọi người làm bữa cơm nhanh với loại rau đó, làm sao nấu rau để giữ được nhiều dinh dưỡng?

Bạn đã từng sử dụng một sản phẩm, cảm thấy không thích nhưng lượt bán và phản hồi rất tốt?

Ví dụ đi ăn hủ tiếu, bạn không thấy ngon nhưng nó đông và tồn tại lâu đời. Điều này cho thấy mỗi người có 1 khẩu vị khác nhau, nên việc đắt hàng chứng tỏ số đông thị trường chấp nhận nó, còn mình thì khác biệt.

Bán thứ khác biệt thì sẽ khó khăn khi bắt đầu – không khác biệt thì cạnh tranh lớn!

Lôi những khuyết điểm trên sản phẩm của mình ra để phân tích, giải thích, cho thấy những khuyết điểm này không là gì so với những giá trị mà nó đem lại. Một người bán càng rõ ràng, trung thực thì càng tiếp cận được nhiều khách hàng.

Những tips như gắn hastag, tag bạn, chia sẻ link, kêu gọi chỉ là kỹ thuật nhỏ. Nhưng làm kênh không hẳn lúc nào cũng canh kỹ thuật quá nhiều mà nên đi từ tư duy đi lên. Ở giai đoạn đầu có thể sẽ chậm nhưng khi đã bắt được những người cùng gu sản phẩm thì họ sẽ ở lại với mình, và khi họ đã thấy hợp thì họ sẽ quay lại. Video của mình có thể không lên xu hướng nhưng nếu đã có những người theo dõi, có nhu cầu với sản phẩm của mình thì cứ khai thác tiếp nội dung đó!

>> Có thể bạn quan tâm: Sổ Bán Hàng ra mắt dịch vụ quảng cáo online giúp chủ kinh doanh tiếp cận thêm khách hàng

4. Nền tảng hỗ trợ miễn phí các doanh nghiệp sáng tạo nội dung trên MXH

Theo chia sẻ từ anh Nguyễn Thành Chinh, từng có kinh nghiệm làm chủ quán cà phê thì có một số công cụ hay miễn phí hỗ trợ các nhà sáng tạo nội dung trên MXH để kinh doanh như:

  • Capcut

Chức năng: Capcut là một ứng dụng chỉnh sửa video miễn phí, rất phổ biến trên TikTok. Ứng dụng cung cấp nhiều tính năng như cắt, ghép video, thêm hiệu ứng, âm thanh và văn bản.

Lợi ích: Dễ sử dụng, nhiều tính năng sáng tạo và không yêu cầu kỹ năng chuyên môn cao.

  • Canva

Chức năng: Canva là một công cụ thiết kế đồ họa miễn phí, cho phép tạo ra các hình ảnh, bài viết, video và nhiều loại nội dung khác cho MXH.

Lợi ích: Cung cấp nhiều mẫu thiết kế sẵn, dễ sử dụng và có thể tùy chỉnh theo nhu cầu, giúp thiết kế poster để chạy quảng cáo Facebook, reels, hình ảnh cho quán,…

  • ChatGPT, Copilot, Gemeni

Chức năng: Đây là các công cụ AI giúp tạo ra nội dung văn bản như bài viết, kịch bản video, câu trả lời khách hàng,…

Lợi ích: Tiết kiệm thời gian, cung cấp ý tưởng sáng tạo và hỗ trợ trong việc viết lách.

  • Ad Library

Chức năng: Ad Library là công cụ của Facebook cho phép doanh nghiệp xem các quảng cáo đang chạy trên nền tảng của họ.

Lợi ích: Giúp doanh nghiệp nghiên cứu và học hỏi từ các chiến dịch quảng cáo của đối thủ, từ đó cải thiện chiến lược quảng cáo của mình.

Sáng tạo nội dung: Tăng tỷ lệ chuyển đổi đơn hàng khi kinh doanh trên mạng xã hội

5. Q&A về cách bán hàng trên MXH

1. Kênh tiktok nếu muốn ra đơn mà không làm video được thì có thể ra được đơn hàng hay không? (Anh Huỳnh Thanh Tuấn)

“Có thể chọn những nền tảng khác để đăng bài. Có thể không quay video mà dùng ảnh cuộn. Muốn làm được việc này, sự sáng tạo phải rất lớn. Có thể follow một số kênh nước ngoài chỉ dùng ảnh cuộn nhưng tỉ lệ chuyển đổi rất lớn. Tuy nhiên, ở trên 1 nền tảng làm video mà mình không làm video thì đầu tiên nền tảng đã không cho mình traffic rồi. Video là cái dễ làm mà mình không làm được vậy những cái khác cũng rất là khó. Ngại hay muốn kiếm tiền? Nếu ngại nhiều hơn thì không kiếm được tiền” – chị Yến hài hước chia sẻ.

Vì vậy muốn bán được hàng trên TikTok, theo diễn giả, trước hết cần vượt rào cản tâm lý của bản thân!

2. Live đều và ra clip đều thì khía cạnh nào hay hơn? (anh Nam Nguyễn)

Theo chia sẻ của chị Yến, ra clip đều sẽ gặp được những người quan tâm sản phẩm của mình. Lần 1 xem, có thể thích nhưng khách hàng chưa có nhu cầu mua. Lần 2 thấy video, người xem có thể thích hơn xíu nữa nhưng luồng thông tin vào mỗi ngày rất nhiều – mỗi người chỉ xem video của mình từ 3 – 5 giây nhưng mỗi ngày một người tiêu thụ hàng triệu thông tin thì lượng thông tin mà người xem nhớ về mình rất ít.

Như vậy, video là cái để người ta nhớ về sản phẩm mình, ra nội dung liên tục giúp mình gặp những người mới và gặp lại những người cũ đã từng thích mình. Còn live sẽ là phễu cuối cùng để hứng được những người đã từng biết, quan tâm và tò mò về mình. Thường phiên livestream dễ tạo ra chuyển đổi vì có sự tương tác qua lại.

Nếu kênh không có video sẽ không còn ai quan tâm và nền tảng không còn đẩy traffic cho kênh, khiến những người đã từng quan tâm sản phẩm của mình sẽ đi xem người khác vì có quá nhiều thông tin trong 1 ngày. Kênh không ra video liên tục sẽ flop, sau đó có live thì kênh cũng sẽ không được đẩy vào, không có chuyển đổi.

Vì vậy, hai hoạt động phải diễn ra song song.

3. Đối với những anh chị mới bắt đầu chuyển qua sử dụng mạng xã hội để phát triển cửa hàng, mình nên bắt đầu từ đâu để đạt hiệu quả tốt nhất? Nên tạo kênh bán hàng luôn hay xây thương hiệu cá nhân xong bán hàng? Ngành nào thì phù hợp phát triển kinh doanh trên MXH cho tất cả mọi người? – MC Thanh Giang đặt câu hỏi cho khách mời.

Khách mời Thanh Yến giải đáp: Khi mọi người tham gia nền tảng, miễn là sản phẩm gửi đi được thì sẽ bán được. Đồ tươi sống sẽ rất khó vì rất nhiều rủi ro về giao vận. Như vậy với đồ tươi, phải nghĩ cách như làm đồ sấy, đồ khô. Sản phẩm về tay khách hàng không bị hư thì mới kinh doanh được.

Vậy bắt đầu thế nào? Bán hàng hay xây kênh trước?

Kinh nghiệm của diễn giả Thiều Thanh Yến là làm kênh nội dung trước, khi được nhiều người yêu thích rồi mới tạo giỏ hàng, gian hàng. Sẽ bắt đầu với việc làm thương hiệu, kể câu chuyện, hành trình khởi nghiệp cho mọi người biết tới mình: mình là ai, tại sao mình khởi nghiệp, sản phẩm của mình có gì đặc biệt, bản thân có gì đặc biệt, một ngày sẽ diễn ra như thế nào,…

Cái khó nhất không phải là cái mọi người đang nghĩ, mà là việc không dám bắt đầu. Mọi người thường không nhìn thấy ưu điểm của mình mà chỉ thấy khuyết điểm.

Chẳng hạn, mẹ bỉm không lanh lẹ bằng các bạn trẻ, không nhiều tiền bằng các bạn đang làm, không đủ kiến thức, không có ngoại hình, sống ở tỉnh. Như vậy tại sao không nghĩ hình ảnh một mẹ bỉm vừa chăm con, lo cơm nước và kinh doanh rất gây tò mò. Cái cần nghĩ ở đây là sự cá thể hóa, nghĩ là mình đặc biệt và bắt tay vào làm. Minh chứng cho điều này là những kênh nấu ăn vùng quê rất viral trên MXH.

4. Nhà mình hạt giống, thì có content hoặc quảng cáo nào để có thể tiếp cận khách mới không? (chị Nguyên Vũ)

“Cần tìm xem những người mua hạt giống thường sẽ tìm kiếm, quan tâm cái gì: cách trồng, quá trình cây nảy mầm hay quá trình nuôi cây từ hạt giống, ươm mầm ra sao. Nhiều người mới khi trồng cây gặp trường hợp ươm hoài không lên, vậy mình có thể quay quá trình một bạn khách (tự đóng) ươm sai làm hư 1 loạt hạt giống. Video có thể không lên xu hướng nhưng tiếp cận tới toàn những người thích chủ đề đó, họ sẽ ở lại với mình đến những video sau. Hoặc có thể quay quá trình ươm 2 cái cây: 1 cây chỉ nói lời ngọt ngào, 1 cây ngày nào cũng la mắng. Trong quá trình mình quay mấy tháng đó sẽ làm video và kết quả“.

Mỗi ngày mỗi giây trôi qua có hàng t câu chuyện diễn ra, chỉ là mọi người không thấy thôi. Vậy để thấy được nhiều, mọi người cần dành thời gian để quan sát để hiểu khách hàng. Khi làm liên tục sẽ tự có cái giác quan của người làm sáng tạo.

5. Theo bạn việc thuê một người khác ( KOC, KOL) livestream để lượng tương tác từ họ dẫn vào tài khoản của mình thì có mang lại hiệu quả không? (anh Trung’s House)

Câu trả lời của diễn giả Thanh Yến là tùy vào ngành hàng. Ví dụ làm thời trang – ngành hàng tiêu dùng nhanh, dễ lựa chọn, đa số người ta mua sản phẩm không quan tâm về nguồn gốc xuất xứ mà xem nhiều về mẫu mã, deal giảm giá hơn.

Với những ngành hàng dễ mua, có thể lên một vài video để khách hàng biết kênh thương hiệu là kênh như thế nào, sau đó dùng KOL, KOC dẫn về kênh của mình; hoặc dùng sản phẩm của mình tham gia vào các phiên live mega để tăng được traffic, lượt bán, đánh giá.

Tuy nhiên với một số ngành như mỹ phẩm, healthy care – khi khách hàng quan tâm về yếu tố sức khỏe, cần tạo nội dung để khách hàng có niềm tin vào sản phẩm, thương hiệu, người bán. Khi người ta đã tin và mua thì dẫn KOL về để tăng lượt bán. Nhưng cần cẩn thận dễ rơi vào bẫy KOL, Mega live khi chi phí bỏ ra lớn, đôi khi tiền bán được không bằng nửa cast chi trả cho người ta. Phải xem xét mình có đủ chi phí để làm việc đó không. Thay vì vậy diễn giả Thiều Thanh Yến khuyên chủ kinh doanh nên đầu tư live đều hơn, làm nội dung nhiều hơn để đẩy kênh mình.

Sáng tạo nội dung: Tăng tỷ lệ chuyển đổi đơn hàng khi kinh doanh trên mạng xã hội

6. Làm thể nào để nói chuyện một cách tự tin và thu hút khi quay video bán hàng? (chị Ngọc Đồ Decor)

Theo kinh nghiệm từ chị Thanh Yến, chủ kinh doanh có thể chuẩn luyện tập nói trước gương mỗi ngày để tăng được level, có thể tập quay từng source nhỏ trước. Giọng nói cần có lực, đẩy hơi bụng lên nói, khi mọi người nói không cần nhanh mà cần rõ, nhấn những điểm cần nhấn, nói ít nhưng nội dung chắc để người nghe nắm được nội dung phần đó.

7. Bao lâu để có được kênh TikTok 50K followers? (chị Nguyễn Hương)

Phụ thuộc vào sức làm, khả năng chịu làm của mọi người, dùng tư duy xây kênh từ từ sẽ đạt được.” – diễn giả Thanh Yến khẳng định.

Nếu bạn muốn làm kênh bán hàng chứ không phải KOL để đi quảng cáo thì kênh không cần 50.000 người theo dõi mà chỉ cần 5.000 thôi là mọi người đã có được doanh số vài trăm triệu một tháng là bình thường. Quan trọng là cách dùng câu chuyện sản phẩm để tiếp cận khách hàng, khéo léo trong cách làm nội dung, phải:

  • Đời
  • Hài hước

Nhưng phải có thông tin sản phẩm, followers tăng chậm nhưng bán được hàng. Có những kênh vài triệu followers nhưng không bán được hàng, quan trọng là khả năng chuyển đổi của kênh và những video đó.

8. Chị ơi em muốn bán hàng liên kết sàn thương mại có cần 1000 followers không ạ khi đã cài seller center? (chị Sự Ninh)

Từ kinh nghiệm của chị Yến thì đây là quy định của sàn. Trong thông báo của sàn sẽ có phần yêu cầu kênh của mình phải có tối thiểu bao nhiêu follow mới mở được mở một gian bán hàng.

9. Vừa xây kênh vừa bán được không chị, hay phải đợi kênh lênh xu hướng mới bán hàng được ạ? (chị Bích Ly)

Tốt nhất là vừa xây vừa bán. Xây không thì tiền đâu để sinh hoạt. Cứ làm nội dung và gắn giỏ hàng. Thường nội dung gắn giỏ hàng sẽ flop. Vậy mỗi tuần mình lên 7 video thì 3 video mình không gắn, 4 cái còn lại cứ gắn giỏ hàng để kiếm tiền. Cứ làm song song thôi.

Sáng tạo nội dung: Tăng tỷ lệ chuyển đổi đơn hàng khi kinh doanh trên mạng xã hội

10. Bạn cho mình hỏi làm cách nào để video của mình lên xu hướng nhanh nhất trên các nền tảng, ví dụ: TikTok, Fanpage, YouTube? (anh Tùng Lại)

“Điều này còn phụ thuộc vào năng lực làm nội dung của mọi người. Mọi người kể được một câu chuyện có nhiều người quan tâm, nội dung nhiều người tò mò thì dễ lên xu hướng. Nền tảng rất công bằng với mọi người. Cái quan trọng là phải xem nội dung đã rồi mới biết có lên xu hướng được không!”

11. Chị ơi kênh đang bị flop rồi, em có cần xây kênh mới không ạ? (chị Huỳnh Thị Diễm Phúc)

“Có thể làm tiếp kênh đó nhưng xây lại nội dung, tư duy lại cách làm nội dung. Nếu muốn đẹp kênh thì ẩn những video cũ đi và lên lại nội dung mới.”

12. Em bán có 1 mặt hàng nên nội dung thay đổi em thấy khó quá ạ!(chị Hà Ninh)

“Nếu bạn chỉ có 1 mặt hàng, thì tức là bạn chỉ có 1 SKU thôi. Hãy đứng ở góc độ người bán để kể câu chuyện làm ra sản phẩm, lý do bán sản phẩm, tại sao người ta lại cần nó. Đứng ở góc độ khách hàng, chê sản phẩm để nói về sản phẩm. Đứng ở góc chia sẻ trải nghiệm sản phẩm để nói về sản phẩm.

Đừng nhìn sản phẩm ở một mặt, hãy lật nhiều mặt để nói về nó.

“Thậm chí quá trình gói hàng, đóng hàng, lỗi hàng, bom hàng,… không bao giờ hết nội dung để chia sẻ. Mỗi sản phẩm đều có “đời sống” của nó khi đặt ở những khía cạnh khác nhau. Người bán hàng muốn hấp dẫn cần lôi được hết những điều đó ra để tránh cạn ý tưởng.”

13. Mình bán thời trang, mà giờ nhiều người bán quá thì làm sao để cạnh tranh lại được? (Bình Vũ)

“Thời trang hay mỹ phẩm có sự cạnh tranh lớn vì thị trường “đỏ” hết rồi. Sau Covid, người bán nhiều hơn người mua. Vậy để cạnh tranh, cái để cạnh tranh tốt nhất là cái đầu của mình, sự sáng tạo, giải trí, hài hước của mình. Cái này mọi người phải cố gắng nỗ lực để xây kênh.”

Lời khuyên cho anh chị chủ kinh doanh mới bắt đầu từ diễn giả Thanh Yến là “Lên sàn thương mại điện tử không khó nhưng cũng không đơn giản, mọi người phải rất kỹ về những chi phí mình bỏ ra, phải minh bạch và rõ ràng. Và hãy bắt đầu từ hôm nay, đừng để những nỗi sợ cản trở mình“.

Anh Nguyễn Thành Chinh cũng chia sẻ “Khi mới khởi nghiệp trên MXH, mọi người cố gắng xây dựng phễu nội dung cho trang của mình. Đầu phễu là những nội dung vui vẻ, viral, cuối phễu là nội dung giúp mình bán hàng dễ hơn. Quan trọng là phần sáng tạo nội dung như chị Yến đã chia sẻ trong buổi livestream“.

Cùng những chia sẻ vô cùng giá trị từ diễn giả Thiều Thanh Yến và anh Nguyễn Thành Chinh, chương trình livestream kéo dài hơn 90 phút nhưng càng về cuối người xem lại càng tương tác sôi nổi. Với những kinh nghiệm quý báu của diễn giả và hàng chục phần quà đến từ BTC, số mắt xem cùng lúc duy trì gần 1000 từ lúc bắt đầu cho đến khi kết thúc.

Diễn giả Thiều Thanh Yến:

  • Nữ chủ kinh doanh thành công, từng đạt được 50,000 đơn/ tháng nhờ mạng xã hội.
  • 10 năm kinh nghiệm sáng tạo nội dung trên mạng xã hội.
  • Sở hữu kênh TikTok gần 600K lượt theo dõi.
  • Giám đốc thương hiệu mỹ phẩm Cherif (Yến Yến Cosmetic).

Chuyên gia Digital Marketing Nguyễn Thành Chinh – Trưởng phòng tiếp thị số Sổ Bán Hàng:

  • Chuyên gia tư vấn Marketing từ chiến lược đến thực thi.
  • 5 năm thực chiến Digital Marketing.
  • Người trực tiếp mang về 25,000+ khách mới mỗi tháng cho Sổ Bán Hàng.

Thời lượng chương trình livestream khép lại, nhiều chủ kinh doanh vẫn còn rất nhiều câu hỏi muốn được diễn giả giải đáp, nhất là các nữ chủ kinh doanh mong muốn bán hàng được tốt hơn, đặc biệt là tận dụng mạng xã hội để tiếp cận khách hàng và tăng cao lợi nhuận. Sổ Bán Hàng cùng CARE tiếp tục đồng hành cùng các nữ chủ kinh doanh trong nhiều hoạt động tiếp theo trong khuôn khổ hợp tác, chuỗi đào tạo với chủ đề “Nữ Chủ Kinh Doanh – Chinh Phục Thời Đại Số” sẽ diễn ra ở 2 địa điểm: TP. HCM (29/06) và Hà Nội (02/07) với nhiều quyền lợi và sự hỗ trợ đến từ BTC.

👉Mời các nữ chủ kinh doanh đăng ký tham gia sớm tại đây: https://forms.gle/MpdPHcVskb7ysy479

—–

🌎Buổi chia sẻ “LÀM CHỦ SÁNG TẠO – BÙNG NỔ DOANH THU” nằm trong chương trình đào tạo “Nữ chủ kinh doanh – Chinh phục thời đại số” trong khuôn khổ chương trình hợp tác giữa Sổ Bán Hàng và CARE tại Việt Nam, thông qua chương trình Bừng Sáng (Strive Women), với sự tài trợ của Trung tâm Tăng trưởng Toàn diện Mastercard. Chương trình hợp tác hướng tới mục tiêu giúp các nữ chủ kinh doanh nhỏ và siêu nhỏ nâng cao năng lực quản lý, phát triển, ứng dụng các giải pháp công nghệ sáng tạo, hiệu quả với chi phí thấp.

Chia sẻ bài viết: