Tính phần trăm giảm giá đơn giản, chính xác nhất 2024
Cách tính phần trăm giảm giá sao cho phù hợp để vừa thu hút khách hàng, vừa mang lại doanh số cao và lợi nhuận tối ưu nhất có thể cho cửa hàng.
Từ lâu, giảm giá chính là chiến lược lôi kéo khách hàng hiệu quả nhất trong bất kỳ chiến dịch marketing nào. Đây là cách thức giúp gia tăng doanh số bán hàng một cách nhanh chóng và không bị “lờn” đối với khách hàng nhất. Mấu chốt quan trọng đối với thương hiệu/ cửa hàng để thành công trong mỗi đợt giảm giá chính là tính phần trăm giảm giá sao cho phù hợp. Để vừa giúp khách mua với giá hợp lý vừa mang lại lợi nhuận cho cửa hàng chính là cả một công đoạn tính toán kỹ lưỡng.
Vậy cách tính phần trăm giảm giá dễ hiểu và chính xác nhất? Cùng Sổ Bán Hàng tìm hiểu ngay trong bài viết dưới đây nhé!
>> Có thể bạn quan tâm: Cách tính phần trăm (%) tăng giảm giá sản phẩm
1. Cách tính phần trăm giảm giá đơn giản nhất
Công thức tính phần trăm giảm giá:
Giá bán sau giảm giá = Giá bán x ((100 – phần trăm giảm giá) : 100)
=> Phần trăm giảm giá = 100 – ((Giá bán sản phẩm sau giảm giá : Giá bán) x 100)
Ví dụ:
Một cửa hàng quần áo bán 1 chiếc áo sơ mi với giá bán bình thường là 250.000 đồng, muốn bán ra thị trường cạnh tranh với thị trường là 200.000 đồng, phần trăm giảm giá như sau:
100 – ((200.000 : 250.000) x100) = 20%
2. Cách tính phần trăm giảm giá để không phải bù lỗ
Giá nhập ở mỗi cửa hàng là khác nhau, đương nhiên giá bán mỗi sản phẩm cũng sẽ có sự chênh lệch. Điều này khiến cho các chủ shop phải tính toán sao cho mức giá bên mình phải đem lại sức cạnh tranh trên thị trường. Tuy vậy, giá sau giảm đương nhiên không được ít hơn giá gốc cùng các chi phí khác cấu thành nên sản phẩm. Chỉ như vậy, cửa hàng mới có lợi nhuận ổn định để tiếp tục hoạt động.
Cụ thể, với ví dụ trên: Cửa hàng bán áo sơ mi với giá bán bình thường là 250.000 đồng, giá nhập và các chi phí khác là 150.000 đồng. Vậy mức giá sau giảm sẽ tối thiểu phải là 150.000 đồng để không bị lỗ vốn. Theo đó, phần trăm giảm tối đa sẽ là: 100 – ((150.000 : 250.000) x 100) = 40%
Vậy Shop không thể giảm quá 40% để không bị lỗ vốn.
3. Mẹo giảm giá sản phẩm thành công không phải ai cũng biết
3.1 Tăng giá trước khi giảm giá
Với mục đích để khách hàng so sánh giá trước và sau giảm có sự chênh lệch lớn, đánh trúng vào tâm lý mua hàng giá hời, chủ shop có thể điều chỉnh giá sản phẩm hơi nhỉnh lên một chút trong thời gian đầu. Giả sử như chiếc áo sơ mi giá bán là 250.000 đồng, bạn có thể cân nhắc chỉnh giá lên 260.000 – 300.000 đồng để khi giảm giả rơi về mức giá mong muốn.
3.2 Linh hoạt trong “giảm giá” hay “% giảm”
Tùy vào từng mặt hàng mà bạn có thể linh hoạt đưa ra ưu đãi là giảm giá tiền hay giảm %, cụ thể như sau:
- Với sản phẩm có giá trị nhỏ, số tiền giảm giá cũng nhỏ thì bạn nên để dưới dạng “giảm %” để khách hàng có cảm giác sản phẩm này đang giảm rất sâu. Mặc dù số tiền giảm không lớn nhưng tính về mặt phần trăm lại khá to, nó sẽ giúp bạn tạo ấn tượng trong tâm lý khách hàng.
Ví dụ: Quyển vở ghi có giá bán là 20.000 đồng, mức giá sau giảm là 10.000 đồng. Nếu chỉ ghi là “giảm 10.000 đồng/ dản phẩm” đương nhiên sẽ không đủ hấp dẫn bằng việc “giảm lên đến 50%” rồi đúng không?
- Đối với những sản phẩm giá trị lớn, dù quy ra phần trăm khá nhỏ nhưng số tiền được giảm lại tương đối to, chủ shop nên để thông tin giảm chính xác số tiền sẽ hiệu quả hơn.
Ví dụ: Một chiếc túi hiệu có giá gốc là 20.000.000 đồng, giá giảm còn lại 19.000.000 đồng. Nếu chỉ ghi “Giảm 5%” thì hãy công khai “giảm 1.000.000 đồng” để cảm giác số tiền giảm được lớn hơn.
3.3 Giảm giá hấp dẫn kèm điều kiện
Chủ shop có thể đưa ra các tiêu chí để đạt được mức giảm giá hấp dẫn. Việc này giúp khách hàng có thể năng nổ trong việc mua đồ và cửa hàng có thể chốt được nhiều đơn hơn, bù lại những ưu đãi đã cho, chẳng hạn:
- Khách hàng mua hóa đơn có tổng giá trị trên 1.000.000 VNĐ sẽ được giảm 10% tổng hóa đơn.
- Khách hàng lần đầu mua hàng tại shop được giảm giá 10% cho một số sản phẩm nhất định.
- Hoặc voucher giảm giá 30% tổng hóa đơn cho lần mua hàng tiếp theo.
4. Khi nào cần thực hiện chiến lược giảm giá sản phẩm
Thường những sản phẩm, mặt hàng có số lượng lớn sẽ được áp dụng vào chiến lược giảm giá. Trên thực tế, các chương trình giảm giá thường được áp dụng vào những dịp lễ lớn, thời điểm mà nhu cầu mua sắm tăng cao như: Khai trương, Giáng Sinh, Tết Nguyên Đán, Trung Thu, 20/10,…
Ngoài ra, dựa vào tình hình thực tế mà chủ cửa hàng có thể lên kế hoạch giảm giá sao cho phù hợp như:
- Ra mắt sản phẩm/ dịch vụ mới
- Thanh lý tồn kho
- Nâng cao độ nhận diện thương hiệu trên thị trường.
- Gia tăng khả năng cạnh tranh so với đối thủ.
>> Có thể bạn quan tâm: Cách tính giá bán đồ uống được áp dụng nhiều nhất hiện nay
Cách tính phần trăm giảm giá khá quan trọng mà bất kỳ chủ shop nào cũng nên nắm rõ. Làm ăn kinh doanh, không phải bạn muốn cạnh tranh là giảm giá “sảng” được vì việc bù lỗ sẽ rất căng sau này. Hãy tính toán kỹ càng để vừa bán được giá hời cho khách, vừa bán được số lượng sản phẩm lớn, vừa thu về lợi nhuận như mong đợi. Sổ Bán Hàng hy vọng bài viết sẽ mang lại thông tin hữu ích cho chủ kinh doanh trong các vấn đề tính toán giá thành, giá khuyến mãi hiệu quả.