Tiểu thương, hộ bán lẻ trong ‘vòng xoáy’ của chuyển đổi số
Chuyển đổi số đang “lan tỏa” mạnh mẽ đến với tiểu thương, người bán hàng rong, các hộ buôn bán nhỏ lẻ tại Việt Nam.
Dịch bệnh Covid-19 đã gây ra những ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động thương mại trên khắp cả nước. Sự giảm sút của thị trường bán lẻ không chỉ làm các mạng lưới phân phối lớn gặp khó mà càng đẩy các hộ kinh doanh nhỏ lẻ, tiểu thương, người bán hàng rong vào tình thế nguy cấp. Trong khó khăn, những giải pháp số hóa đã thực sự phát huy tiện ích và nhiều tiểu thương, hộ kinh doanh nhỏ lẻ đã bắt đầu “tập tành” chuyển đổi số, để đổi mới cung cách làm ăn, thông qua đó bán được hàng đến tay khách.
Việc ứng dụng công nghệ vào hoạt động kinh doanh sẽ giúp các hộ kinh doanh nhỏ lẻ, tiểu thương có thêm khách hàng trong giai đoạn khó khăn do Covid-19. |
Các chuyên gia công nghệ cũng cho rằng dước tác động của Covid-19, không chỉ doanh nghiệp lớn mà các doanh nghiệp nhỏ, hộ kinh doanh nhỏ lẻ cũng cần chuyển đổi số, để không bị bỏ lại phía sau trong xu hướng chuyển động của thị trường.
Đua nhau chuyển cửa hàng lên… online
Bà Võ Thu Hồng, một tiểu thương buôn bán quần áo tại chợ An Đông (quận 5, TPHCM), trước khi dịch bệnh bùng phát, nguồn khách chủ lực của cửa hàng là khách du lịch nước ngoài, Việt kiều… nên trong nhiều tháng diễn ra dịch bệnh, Việt Nam đóng cửa với khách quốc tế, lượng khách hàng sụt giảm rất lớn.
Trước nguy cơ thua lỗ do nguồn thu sụt giảm mạnh mà chi phí vẫn cao như cũ (trong đó gánh nặng đến từ phí thuê mặt bằng kinh doanh, chi phí nhân công…), bà Hồng buộc phải xoay xở nhiều phương cách để bán hàng. Bà Hồng đã cùng con trai mình mở một cửa hàng ảo (shop) trên mạng xã hội Facebook và đăng ký mở shop trên các sàn thương mại điện tử Lazada, Shopee để bán quần áo. Bên cạnh đó, bà tích cực sử dụng các ứng dụng phần mềm chuyên về giao hàng như Grab Express, AhaMove… Tuy lượng khách không nhiều như khách đến mua sắm tại cửa hàng truyền thống trước đây, nhưng bà Hồng vẫn xoay xở có đủ nguồn thu để duy trì hoạt động kinh doanh, giữ chân được nhân viên.
Còn chị N.T.P.Thảo, chủ một sạp bán trái cây ở chợ Bến Thành (quận 1, TPHCM) cho biết dịch Covid-19 đã khiến chị phải đóng cửa sạp do không có khách du lịch mua hàng. Việc kinh doanh đã hàng chục năm rồi nên chị không muốn nghỉ bán, chị kêu gọi người thân cùng nghĩ cách và sau đó cả nhà cùng nhau mở shop bán trái cây trên mạng, qua Facebook, Shopee, Lazada… . Lượng trái cây bán ra không nhiều như bán ngoài sạp nhưng cũng có khách hàng và cũng giúp cầm cự qua thời gian khó khăn này. “Chờ khi hết dịch, tôi sẽ mở sạp bán trở lại”, chị hy vọng.
Anh Huỳnh Phương, chủ một quán cà phê trên đường Võ Văn Tần (quận 3, TPHCM) cho biết khi thực hiện theo quy định về giãn cách xã hội hồi tháng 4 vừa qua, anh mở hẳn một khu vực riêng trong tiệm chuyên giao hàng cho các tài xế xe ôm công nghệ cũng như nhân viên giao nhận để phục vụ các đơn hàng đặt mua trực tuyến. Khi hoạt động kinh doanh trực tiếp bình thường trở lại, lượng khách mua trực tuyến (online) của anh vẫn rất nhiều.
Qua ghi nhận của TBKTSG Online, nhiều cửa hàng bán lẻ bán thực phẩm ăn uống, phụ kiện điện thoại, áo quần… tại TPHCM cũng đã mở các website, shop trên Facebook, trên các chợ điện tử… để bán hàng để vượt qua những khó khăn do dịch bệnh gây ra. Nhiều người cho biết nếu không chuyển sang bán online thì có nguy cơ phải dừng kinh doanh hoàn toàn. Nhiều tiểu thương cho biết tuy hoạt động bán hàng online còn khá mới mẻ, song đây sẽ là kênh bán hàng có thể giúp họ trụ qua mùa dịch cũng như mở ra các hướng kinh doanh khác trong lúc nền kinh tế khó khăn.
Tại TPHCM, vừa qua để hỗ trợ tiểu thương, người buôn bán nhỏ lẻ vượt qua khó khăn do Covid-19, Trung tâm Hỗ trợ Phát triển Kinh tế và Cung ứng Lao động Quận 5 phối hợp Hội Doanh Nghiệp Quận 5 (TP HCM) đã xây dựng “Chợ phiên online Chợ Lớn” trên website
Người tiêu dùng dần tăng cường sử dụng các hình thức thanh toán số khi đặt hàng, mua hàng bởi có thêm nhiều tính năng tiện ích. |
Đại diện Ban tổ chức cho biết, dịch Covid-19 đã gây ra nhiều khó khăn cho hoạt động kinh doanh, việc chuyển đổi hình thức kinh doanh từ offline sang online trở thành giải pháp hữu hiệu, tạo kênh bán hàng online nhằm thúc đẩy hoạt động kinh doanh ứng phó với đại dịch và phát triển kinh tế. Đây sẽ là nơi hỗ trợ tiểu thương, các hộ kinh doanh, doanh nghiệp lâu nay bán hàng kiểu truyền thống chuyển sang làm quen với kinh doanh online, bán hàng trực tuyến. Và dần trở nên chuyên nghiệp, thậm chí có thể tham gia các sàn thương mại điện tử lớn, tiếp cận khách hàng trên cả nước.
Ông Marek E. Forysiak, Chủ tịch Công ty SmartNet (Ví điện tử SmartPay) cho biết tại một hội thảo gần đây rằng những tiểu thương hay những người bán hàng rong đóng một vai trò quan trọng trong nền kinh tế hàng ngày của Việt Nam và họ cần nhanh chóng “bắt kịp” từ góc độ công nghệ, nếu không sẽ có nguy cơ bị tụt hậu.
Trong khi dịch bệnh diễn ra với rất nhiều khó khăn việc sử dụng các phương tiện thanh toán điện tử của khách hàng bắt đầu mở rộng với tốc độ nhanh hơn nhiều so với trước đây. Cũng có những cơ hội mới xuất hiện khi các thị trường địa phương mở cửa trở lại vì nhiều nhà bán hàng truyền thống chủ yếu dựa vào tương tác vật lý với khách hàng đã gặp khó khăn khi xảy ra tình trạng “phong tỏa”.
“Ghi nhận của SmartNet cho thấy ngày càng nhiều những tiểu thương đang chuyển sang sử dụng các Ví điện tử để giúp họ chuyển đổi kỹ thuật số và chuyển từ hình thức bán hàng từ kênh offline sang mở thêm kênh bán hàng online để đối phó với dịch”, ông Marek E. Forysiak nói.
Chuyển đổi số cho phép mỗi người dân có thể tiếp cận toàn bộ thị trường một cách nhanh chóng theo cách chưa từng có. Nếu như trước đây, người dân mang hàng ra chợ bán thì chỉ tiếp cận được vài chục đến vài trăm người trong khu vực địa lý hạn chế của mình. Còn hiện nay, với thương mại điện tử, người dân có thể bán hàng cho hàng triệu người.
Các chuyên gia cho biết, hiện nay, tại nhiều quốc gia, chuyển đổi số đã len lỏi vào trong cuộc sống hàng ngày từ các DN lớn, nhỏ cho đến mọi người dân ở mọi lứa tuổi,… Ở Việt Nam, 80% doanh số bán lẻ tại Việt Nam vẫn đến từ các cửa hàng truyền thống, nhỏ lẻ mà người Việt Nam hay gọi là tiểu thương. Tuy nhiên, với đà tăng trưởng kinh tế hội nhập của Việt Nam, chỉ trong một thời gian ngắn nữa CĐS sẽ tác động đến mọi hoạt động hàng ngày của tất cả chúng ta. Và chắc chắn, 80% các đối tượng tiểu thương, người bán hàng rong ở Việt Nam cũng không nằm ngoài chuyển đổi trên.
Cần rất nhiều trợ lực
Trong bối cảnh người người, nhà nhà bán hàng online, làm sao để quảng bá hiệu quả website, trang fanpage Facebook hay shop trên các trang thương mại điện tử lại không dễ, chưa kể những khó khăn khi tự mình phải chăm sóc khách hàng, xử lý đơn, tìm người giao nhận… Vì vậy những người bán hàng rong, tiểu thương cho biết rất cần sự hỗ trợ từ các cơ quan quản lý, chính quyền, cũng như từ các doanh nghiệp khác.
Bà Võ Thu Hồng bộc bạch khi chuyển sang bán hàng online, điều các tiểu thương mong muốn được hỗ trợ đó là cách sử dụng các App trên điện thoại để đặt hàng, giao hàng, tương tác với khách hàng. Bên cạnh đó khi mở shop trên các chợ điện tử chúng tôi cũng rất cần hỗ trợ cách quảng bá, tạo các chương trình khuyến mại, giảm giá cho khách hàng.
“Chúng tôi cũng mong muốn có website chẳng hạn mà nơi đó tập trung các tiểu thương, người bán hàng nhỏ lẻ vào cùng với nhau để buôn bán cho thuận tiện. Ngoài ra những tiểu thương, người bán hàng nhỏ lẻ như chúng tôi rất cần được hỗ trợ các công cụ thanh toán kỹ thuật số để tiện cho khách hàng mua hàng”, bà Hồng nói.
Các chuyên gia cho rằng cần có giải pháp và chính sách phù hợp, cũng như xây dựng một lộ trình triển khai theo từng giai đoạn dành cho tiểu thương. |
Ông Marek E. Forysiak cho biết: “Với những tiểu thương, những người chưa rành, chưa có điều kiện tiếp cận với công nghệ, việc thay đổi theo hướng số hóa sẽ khiến họ gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, việc hỗ trợ đối tượng này để họ hòa nhập vào môi trường chuyển đổi số thực sự cần thiết”.
Theo ông, Covid -19 đã tạo sức ép rất lớn đến nền kinh tế chung của thế giới, từ các doanh nghiệp lớn đến những người tiểu thương, người bán hàng nhỏ lẻ. Trong khoảng thời gian này, cách tốt nhất để hỗ trợ ngành bán lẻ, tiểu thương đó là tạo ra các công cụ, giải pháp công nghệ theo một cách đơn giản, thực tế và dễ áp dụng nhất có thể.
Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cũng cần tìm hiểu, nghiên cứu để giảm những rào cản về mặt chính sách trong việc tiếp cận chuyển đổi số của nhóm đối tượng này. Từ đó, sẽ đưa ra những giải pháp và chính sách phù hợp, cũng như xây dựng một lộ trình triển khai theo từng giai đoạn dành cho tiểu thương.
Nhiều cá nhân, doanh nhân cũng còn chưa chuẩn bị sẵn sàng cho chuyển đổi số. Vậy nên trước tình huống bất ngờ, ví dụ đợt dịch Covid -19 vừa rồi, khiến nhiều tiểu thương, doanh nghiệp khó khăn. Tôi nghĩ rào cản lớn nhất ở đây khi chuyển đổi số chính là thái độ, tâm lý có sẵn sàng trước thay đổi hay không?. Nếu tất cả chúng ta đồng lòng thực sự quyết tâm chuyển đổi từ tiểu thương, doanh nghiệp, cơ quan công quyền,…thì sẽ không có gì trở thành rào cản cả. Tôi tin là như vậy!”.
Đại diện ví điện tử MoMo cho biết ví điện tử này đang đẩy mạnh tạo điều kiện cho các đối tác nhỏ bé, đơn lẻ như các tiểu thương, người bán hàng rong, các công ty khởi nghiệp,… có thể “Go-online” để bán hàng và thanh toán trực tuyến. Trước đây, quy trình để một đối tác kết nối, trở thành điểm chấp nhận thanh toán và đưa sản phẩm lên nền tảng Ví MoMo mất từ 12-14 ngày. Tuy nhiên, với việc sử dụng các công nghệ tiên tiến nhất như AI, Machine Learning, Big Data… quá trình này đã được Ví MoMo rút ngắn xuống chỉ còn 10 phút. Qua đây hy vọng sẽ hỗ trợ các DN đối tác tham gia vào quá trình CĐS một cách dễ dàng và nhanh chóng hơn.
Đại diện Công ty cổ phần One Distribution (VinGroup) cho hay đã triển khai ứng dụng VinShop, ứng dụng di động ra đời nhằm hỗ trợ các chủ cửa hàng tạp hoá tiếp cận nguồn hàng phong phú, giá cả minh bạch. Các chủ cửa hàng tạp hóa có thể ngồi tại nhà thông qua ứng dụng để đặt một lần được cả trăm mặt hàng đa dạng và chỉ phải nhận một lần duy nhất, phục vụ 24/7.
Giải pháp này được kỳ vọng nâng cao hiệu quả của toàn chuỗi cung ứng, giúp khắc phục những yếu điểm hiện tại trong luồng phân phối sản phẩm từ nhà sản xuất đến tiệm tạp hóa và giúp khách hàng cuối không phải chịu các chi phí bất hợp lý trên các sản phẩm họ tiêu dùng hàng ngày. Bên cạnh đó Be Group, Shopee, Sendo và Tiki cho hay cũng đã cùng VPBank tham gia mở chương trình đào tạo “Học viện Tiểu thương VPBank”. Kết thúc dự án, VPBank đã hỗ trợ thành công hơn 3.000 bà con tiểu thương áp dụng hiệu quả các kỹ năng bán hàng online, 300 tiểu thương đã có các gian hàng trên những sàn thương mại điện tử nổi tiếng và duy trì cộng đồng tiểu thương online lên tới 12.500 người.
Các chuyên gia nhận định rằng khi tiểu thương Việt Nam, một phân khúc tương lớn của nền kinh tế, nếu họ chuyển đổi số thành công, thì nền “kinh tế trong hẻm” có thể vẫn sôi động ngay cả khi dịch Covid-19 hoành hành. Hoạt động thương mại bán lẻ vẫn có thể đạt mức tăng trưởng, dù phải sống chung với dịch bệnh.