Lệ phí môn bài là gì? Mức thu lệ phí môn bài cập nhật mới nhất
Hằng năm các doanh nghiệp, tổ chức và hộ kinh doanh phải đóng một khoản tiền cố định theo doanh thu cho cơ quan nhà nước, khoản phí này gọi là lệ phí môn bài. Vậy mức lệ phí môn bài sẽ được tính như thế nào và thời hạn đóng ra sao sẽ được Sổ Bán Hàng làm rõ cho bạn trong bài viết dưới đây.
1. Lệ phí môn bài là gì?
Lệ phí môn bài là một khoản phí cố định mà các doanh nghiệp, tổ chức, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh phải đóng để được phép hoạt động trong một lĩnh vực cụ thể. Đây là một loại phí bắt buộc phải trả hàng năm theo kỳ để được phép duy trì hoạt động theo tuân thủ các quy định của pháp luật.
Lệ phí môn bài được sử dụng để tài trợ cho ngân sách của cơ quan chức năng hoặc ngành nghề liên quan và đáp ứng các nhu cầu của chính phủ và cộng đồng. Nó đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì và nâng cao chất lượng dịch vụ và quản lý trong các ngành nghề khác nhau.
>> Có thể bạn quan tâm: Bán hàng online có phải đóng thuế không?
2. Đối tượng cần đóng lệ phí môn bài
Các đối tượng cần đóng lệ phí môn bài căn cứ vào Nghị định 139/2016/NĐ-CP bao gồm:
- Cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình hoạt động sản xuất, kinh doanh.
- Doanh nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật.
- Tổ chức được thành lập theo Luật hợp tác xã.
- Đơn vị sự nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật.
- Tổ chức kinh tế của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp, đơn vị vũ trang nhân dân.
- Tổ chức khác hoạt động sản xuất, kinh doanh.
- Chi nhánh, văn phòng đại diện và địa điểm kinh doanh của các tổ chức quy định (nếu có).
3. Các trường hợp được miễn lệ phí môn bài
3.1 Trường hợp miễn lệ phí môn bài
Căn cứ theo Nghị định 139/2016/NĐ-CP quy định các trường hợp được miễn lệ phí môn bài như sau:
- Cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình hoạt động sản xuất, kinh doanh có doanh thu hàng năm từ 100 triệu đồng trở xuống.
- Cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình hoạt động sản xuất, kinh doanh không thường xuyên; không có địa điểm cố định.
- Cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình sản xuất muối.
- Tổ chức, cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình nuôi trồng, đánh bắt thủy, hải sản và dịch vụ hậu cần nghề cá.
- Điểm bưu điện văn hóa xã; cơ quan báo chí (báo in, báo nói, báo hình, báo điện tử).
- Chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh của hợp tác xã hoạt động dịch vụ kỹ thuật trực tiếp phục vụ sản xuất nông nghiệp.
- Quỹ tín dụng nhân dân xã; hợp tác xã chuyên kinh doanh dịch vụ phục vụ sản xuất nông nghiệp; chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh của hợp tác xã và của doanh nghiệp tư nhân kinh doanh tại địa bàn miền núi. Địa bàn miền núi được xác định theo quy định của Ủy ban Dân tộc.
- Cơ sở giáo dục phổ thông công lập và cơ sở giáo dục mầm non công lập được miễn lệ phí môn bài.
>>Mời bạn xem thêm: Thuế hộ kinh doanh là gì? Cập nhật chính sách thuế cho hộ kinh doanh mới nhất năm 2023
3.2 Trường hợp miễn lệ phí môn bài năm đầu
Theo Nghị định số 22/2020/NĐ-CP bổ sung điều 3 cho Nghị định 139/2016/NĐ-CP về quy định miễn lệ phí môn bài trong năm đầu thành lập hoặc ra hoạt động sản xuất, kinh doanh (từ ngày 01 tháng 01 đến ngày 31 tháng 12) đối với các đối tượng như sau:
- Tổ chức thành lập mới (được cấp mã số thuế mới, mã số doanh nghiệp mới).
- Hộ gia đình, cá nhân, nhóm cá nhân lần đầu ra hoạt động sản xuất, kinh doanh.
- Trong thời gian miễn lệ phí môn bài, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, nhóm cá nhân thành lập chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh thì chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh được miễn lệ phí môn bài trong thời gian tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, nhóm cá nhân được miễn lệ phí môn bài.
>>Mời bạn xem thêm: 3 loại thuế bắt buộc phải đóng của hộ kinh doanh
3.3 Trường hợp miễn lệ phí môn bài trong 3 năm
Theo Nghị định số 22/2020/NĐ-CP bổ sung điều 3 cho Nghị định 139/2016/NĐ-CP về quy định miễn lệ phí môn bài trong thời hạn 03 năm kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp lần đầu đối với các đối tượng như sau:
- Doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển từ hộ kinh doanh.
- Trong thời gian miễn lệ phí môn bài, doanh nghiệp nhỏ và vừa thành lập chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh thì chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh được miễn lệ phí môn bài trong thời gian doanh nghiệp nhỏ và vừa được miễn lệ phí môn bài.
- Chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh của doanh nghiệp nhỏ và vừa (thuộc diện miễn lệ phí môn bài theo quy định tại Điều 16 Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa) được thành lập trước thời điểm Nghị định này có hiệu lực thi hành thì thời gian miễn lệ phí môn bài của chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh được tính từ ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành đến hết thời gian doanh nghiệp nhỏ và vừa được miễn lệ phí môn bài.
- Doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi từ hộ kinh doanh trước ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành thực hiện miễn lệ phí môn bài theo quy định tại Điều 16 và Điều 35 Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.
>> Có thể bạn quan tâm: 23 điều cần chuẩn bị để mở shop quần áo
4. Mức thu lệ phí môn bài mới nhất
Căn cứ vào Nghị định 139/2016/NĐ-CP quy định về mức tính lệ phí môn bài như sau:
Mức thu lệ phí môn bài đối với doanh nghiệp:
- Tổ chức có vốn điều lệ hoặc vốn đầu tư trên 10 tỷ đồng: 3.000.000 đồng/năm;
- Tổ chức có vốn điều lệ hoặc vốn đầu tư từ 10 tỷ đồng trở xuống: 2.000.000 đồng/năm;
- Chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh, đơn vị sự nghiệp, tổ chức kinh tế khác: 1.000.000 đồng/năm.
Mức thu lệ phí môn bài với hộ kinh doanh:
- Cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình có doanh thu trên 500 triệu đồng/năm: 1.000.000 đồng/năm;
- Cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình có doanh thu trên 300 đến 500 triệu đồng/năm: 500.000 đồng/năm;
- Cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình có doanh thu trên 100 đến 300 triệu đồng/năm: 300.000 đồng/năm.
Lưu ý: Đối với các đối tượng được miễn lệ phí môn bài 01 và 03 năm đầu, sau khi hết thời gian được miễn lệ phí môn bài, mức thu lệ phí lần đầu tiên như sau:
- Trường hợp kết thúc trong thời gian 6 tháng đầu năm: Nộp mức lệ phí môn bài cả năm
- Trường hợp kết thúc trong thời gian 6 tháng cuối năm: Nộp 50% mức lệ phí môn bài cả năm.
5. Thời hạn nộp lệ phí môn bài
Thời hạn chậm nhất để nộp lệ phí môn bài là ngày 30 tháng 01 hằng năm.
Đối với các đối tượng được miễn lệ phí môn bài 01 và 03 năm đầu sẽ đóng lệ phí môn bài theo thời gian như sau:
- Trường hợp kết thúc trong thời gian 6 tháng đầu năm: Ngày 30 tháng 7 năm kết thúc thời gian miễn
- Trường hợp kết thúc trong thời gian 6 tháng cuối năm: Ngày 30 tháng 01 năm liền kề năm kết thúc thời gian miễn.
6. Quy định xử phạt nộp chậm lệ phí môn bài
Nộp chậm lệ phí môn bài so với thời gian quy định sẽ bị xử phạt 0.03% /ngày tính trên mức lệ phí môn bài cần phải đóng.
Ví dụ: Cửa hàng A có mức đóng lệ phí môn bài 1.000.000 đồng, hạn đóng là 30/01/2023. Nhưng cửa hàng A nộp lệ phí môn bài vào ngày 30/05/2023, số ngày chậm nộp là 121 ngày:
Số tiền phạt nộp trễ hạn là: 1.000.000 x 0.03% x 121 = 36.300 đồng
Số tiền cửa hàng A phải trả là: 1.000.000 + 36.300 = 1.036.300 đồng
>> Có thể bạn quan tâm: 10 bước mở cửa hàng tạp hoá thành công
7. Các câu hỏi thường gặp
7.1 Các doanh nghiệp, hộ kinh doanh tạm ngừng hoạt động thì có phải đóng lệ phí môn bài?
Theo Khoản 3 Điều 4 Thông tư 302/2016/TT-BTC hướng dẫn về lệ phí môn bài chỉ ra rằng: “Tổ chức, cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình đang sản xuất, kinh doanh và có thông báo gửi cơ quan thuế về việc tạm ngừng kinh doanh cả năm dương lịch thì không phải nộp lệ phí môn bài của năm tạm ngừng kinh doanh. Trường hợp tạm ngừng kinh doanh không trọn năm dương lịch thì vẫn phải nộp mức lệ phí môn bài cả năm.”
Như vậy, nếu doanh nghiệp, hộ kinh doanh tạm ngừng hoạt động cả năm thì sẽ được miễn nộp lệ phí môn bài. Nếu tạm ngừng hoạt động kinh doanh không trọn một năm thì vẫn phải đóng lệ phí môn bài cả năm.
7.2 Các doanh nghiệp, hộ kinh doanh đã giải thể nhưng hoạt động trở lại thì đóng lệ phí môn bài như thế nào?
Các doanh nghiệp, hộ kinh doanh đã giải thể nhưng hoạt động trở lại sẽ đóng lệ phí môn bài theo quy định như sau:
– Trường hợp hoạt động trở lại trong 6 tháng đầu năm: Nộp lệ phí môn bài cả năm, thời hạn nộp lệ phí môn bài chậm nhất là ngày 30 tháng 7 năm ra hoạt động.
– Trường hợp hoạt động trở lại trong thời gian 6 tháng cuối năm: Nộp lệ phí môn bài 50%, thời hạn nộp lệ phí môn bài chậm nhất là ngày 30 tháng 01 năm liền kề năm ra hoạt động.
>> Có thể bạn quan tâm: 3 ý tưởng độc đáo kinh doanh quà tặng siêu lợi nhuận
Trên đây là thông tin về lệ phí môn bài và các mức thu lệ phí cập nhật mới nhất năm 2023 cho bạn tham khảo. Bạn hãy lưu lại và thận trọng trong quá trình đóng thuế môn bài đầy đủ và chính xác theo quy định của cơ quan thuế. Sổ Bán Hàng hy vọng bài viết này sẽ mang lại kiến thức hữu ích cho bạn trong các vấn đề liên quan đến việc đóng thuế khi kinh doanh!
>>Có thể bạn quan tâm: Sổ Bán Hàng chính thức hợp tác cùng VNPT cung cấp giải pháp tích hợp hóa đơn điện tử
**Thông tin trong bài viết tham khảo từ trang: Thư viện Pháp luật, Báo Chính phủ