6 hiểu lầm về thẻ tín dụng nhiều người mắc phải

Chia sẻ bài viết:

Hiểu lầm về thẻ tín dụng nhiều người mắc phải mà bạn cần biết để tránh vướng vào “thế khó” khi chi tiêu, mua sắm.

Thẻ tín dụng chính là công cụ hỗ trợ quản lý tài chính hiệu quả, được rất nhiều người tin tưởng sử dụng hiện nay. Chiếc thẻ “thần thánh” này giải quyết các vấn đề về thanh toán, chi tiêu trở nên “dễ thở” và thư thả hơn cho người dùng. Tuy nhiên, vẫn còn khá nhiều người lầm tưởng xoay quanh thẻ tín dụng, dẫn đến việc sử dụng sai cách hay có tư tưởng thẻ tín dụng là gắn với “nợ nần”.

Nhằm làm sáng tỏ, Sổ Bán Hàng sẽ giải bày về 6 hiểu lầm nghiêm trọng về thẻ tín dụng mà nhiều người mắc phải ngay trong bài viết sau đây nhé!

Hình: Những hiểu lầm về thẻ tín dụng nhiều người mắc phải

1. Dùng thẻ tín dụng là “chôn chân” vào nợ nần

Khá nhiều người có tư tưởng thẻ tín dụng chính là nguồn cơn gây ra nợ nần kéo dài, trả mãi không hết khiến họ hao tâm tổn trí. Điều này hoàn toàn sai. Thực chất, thẻ tín dụng đóng vai trò là như người cho bạn mượn một khoản tiền nhất định và yêu cầu bạn trả lại theo đúng thời gian đã cam kết. Nếu bạn trả tiền theo đúng hạn đã định, căn bản bạn chẳng mất một đồng nào cả. Việc dẫn đến nợ nần chính là từ việc không cân đo đong đếm khi chi tiêu, dẫn đến tới kỳ hạn nhưng không thể hoàn trả số tiền đã chi tiêu trong tháng.

Trên thực tế, khá nhiều người chỉ thanh toán số dư tối thiểu của thẻ tín dụng (hạn mức thanh toán giúp người dùng không phải đóng phạt vì nợ quá hạn, không bị khóa thẻ hay đánh dấu nợ xấu nhưng vẫn phải chịu mức lãi cao) thay vì trả toàn bộ khoản tiền. Nếu bạn không muốn nợ kéo dài và ngày càng “lớn”, hãy chi tiêu một cách thông minh và chắc chắn bản thân có đủ khả năng để hoàn trả.

Ngoài ra, một số người vẫn còn đang e dè về việc sử dụng thẻ tín dụng do ảnh hưởng từ các tổ chức “tín dụng đen“. Đây là các tổ chức hoạt động ngoài vòng pháp luật, lấy danh là “tín dụng” để nhận lòng tin từ người khác. Thực chất, tín dụng không xấu, thẻ tín dụng không phải là chủ nợ của bạn, thậm chí thẻ tín dụng rất hữu ích, trong nhiều trường hợp giúp bạn giải vây một khoản tiền lớn cần kíp, sau đó bạn có thể hoàn trả lại một cách từ từ.

Vì thế, hãy tìm hiểu thật kỹ và quản lý thẻ tín dụng thật thông minh, để phát huy vị thế làm chủ tài chính của mình, bạn nhé!

>> Có thể bạn quan tâm: Ra mắt chương trình mua Sổ Bán Hàng trả góp lãi suất 0%

2. Thả ga sử dụng tới hạn mức tối đa

Vẫn còn rất nhiều người nghĩ rằng, thẻ tín dụng cho xài đến hạn mức nào thì mình cứ “ung dung” dùng đến mức đó mà quên rằng bản thân đang tiêu tiền đi vay. Đây chính là một trong những nguồn cơn dẫn đến nợ nần chất đống của nhiều người, hằng tháng phải trả ngân hàng quá nhiều tiền mà không thể tiết kiệm hay chi tiêu vào những thứ mong muốn. Đừng thả ga sử dụng quá mức, hãy so sánh hạn mức nợ với thu nhập hàng tháng của bạn. Điều này sẽ giúp bạn có một cái nhìn rõ ràng hơn về tình hình tài chính hiện tại của bạn.

Hình: Thả ga sử dụng tới hạn mức tối đa
Nguồn: Internet
Thả ga sử dụng tới hạn mức tối đa
Nguồn: Internet

3. Quan điểm càng mở nhiều thẻ càng lợi

Nhiều người vì thấy những câu mời mọc “Mở thẻ miễn phí”, “Miễn phí thường niên”, và vô vàn ưu đãi khác nên đã không ngần ngại mở ra nhiều thẻ tín dụng. Thực chất, phí thường niên sẽ chỉ miễn phí trong 1 năm đầu tiên, sau đó sẽ tính phí dịch vụ. Nếu bạn không có nhu cầu cao thì KHÔNG NÊN có quá nhiều thẻ tín dụng. Mỗi người chỉ nên có 2 thẻ tín dụng trở xuống, nếu thẻ tín dụng của bạn được cho hạn mức khá cao thì chỉ nên sở hữu 1. Điều này sẽ giúp bạn cân bằng chi tiêu dễ dàng hơn và tránh được các rủi ro nợ xấu.

4. Dùng thẻ tín dụng như thẻ ATM

Bạn nên nhớ rằng, vai trò chính của thẻ tín dụng là thanh toán chứ không phải để rút tiền. Tuy nhiên, thẻ tín dụng vẫn có thể rút được tiền mặt nhưng bạn phải chịu một mức phí khá cao, chiếm khoảng 3 đến 4% giá trị tổng thể. Nếu không phải trường hợp quá cấp bách phải dùng tiền mặt, bạn không nên dùng thẻ tín dụng rút tiền “vô tội vạ” để tránh mất thêm khoản tiền nữa nhé.

Hình: Dùng thẻ tín dụng như thẻ ATM
Nguồn: Internet
Dùng thẻ tín dụng như thẻ ATM
Nguồn: Internet

5. Đóng thẻ tín dụng khi không sử dụng thường xuyên

“Không xài tới thì đóng bớt cho đỡ tốn phí”, đây là suy nghĩ thông thường của nhiều người khi lỡ mở quá nhiều thẻ tín dụng mà không dùng thường xuyên. Đây là suy nghĩ bình thường và đúng đắn trong nhiều trường hợp, nhưng nhiều chuyên gia tài chính cho rằng, việc mở thẻ và đóng vô tội vạ cũng làm điểm tín dụng của bạn bị ảnh hưởng đấy! Vì thế, lời khuyên đưa ra là trước khi quyết định mở thẻ, bạn cân nhắc thật kỹ nhé! Vì nhiều thẻ phải quản lý mệt còn mất tiền phí duy trì hàng năm.

Hơn nữa, nếu chẳng may lỡ mở nhiều thẻ muốn đóng bớt thì bạn hãy kiểm tra thật kỹ thẻ tín dụng ấy có đang nợ tiền hay không, hãy thanh toán dứt điểm khoản nợ trước khi đóng thẻ, tránh trường hợp một ngày đẹp trời bạn nhận thông báo đang nợ xấu vì tính bất cẩn của mình.

6. “Dựa dẫm” vào thanh toán số dư tối thiểu của thẻ tín dụng

Như đã nói ở trên, mỗi ngân hàng sẽ đưa ra một mức thanh toán số dư tối thiểu của thẻ tín dụng. Bạn chỉ cần đóng theo hạn mức đó để duy trì thẻ mà không phải hoàn trả toàn bộ nợ khi đến kì hạn, đồng thời cũng không phải đóng phạt hay bị đánh dấu nợ xấu. Tuy nhiên, bạn vẫn phải chịu mức lãi suất cho toàn bộ số tiền nợ khá cao và có thể khiến bạn chìm trong nợ nần nếu cứ tiếp tục như vậy.

Hình: "Dựa dẫm" vào thanh toán số dư tối thiểu của thẻ tín dụng
Nguồn: Internet
“Dựa dẫm” vào thanh toán số dư tối thiểu của thẻ tín dụng
Nguồn: Internet

6 hiểu lầm tai hại trên đây chính là những nguyên nhân gây ra những trải nghiệm xấu cho người dùng thẻ tín dụng. Nếu sử dụng đúng cách và hợp lý, thẻ tín dụng sẽ là trợ thủ đắc lực giúp bạn quán xuyến các vấn đề chi tiêu, thanh toán hàng ngày, hàng tháng một cách mượt mà. Sổ Bán Hàng hy vọng bài viết này sẽ cung cấp những kiến thức hữu ích giúp bạn có thể đưa ra kế hoạch sử dụng thẻ tín dụng thông minh và tránh những sai lầm không đáng có.

Chia sẻ bài viết: