Yến thô xuất khẩu: Quy định, tiêu chuẩn và thủ tục cần biết

Chia sẻ bài viết:

Xuất khẩu yến thô đang trở thành một trong những lĩnh vực đầy tiềm năng tại Việt Nam, với nhu cầu lớn từ thị trường quốc tế. Tuy nhiên, để thành công trong lĩnh vực này, các chủ kinh doanh cần nắm rõ quy định xuất khẩu và đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng nghiêm ngặt của sản phẩm. Hãy cùng Sổ Bán Hàng tìm hiểu rõ hơn về quy trình xuất khẩu yến thô, các quy định và tiêu chuẩn cần tuân thủ để đạt chuẩn nhé!

1. Yến thô và tiềm năng của thị trường xuất khẩu yến thô

1.1 Yến thô là gì?

Yến thô là loại tổ yến nguyên bản nhất, được thu hoạch trực tiếp từ tự nhiên hoặc từ các nhà nuôi yến. Đây là sản phẩm chưa qua bất kỳ công đoạn xử lý nào nên còn lẫn lông chim và các tạp chất tự nhiên. Yến thô thường có mùi tanh đặc trưng, được đánh giá là giữ lại nhiều dưỡng chất quý giá, và cần được làm sạch trước khi sử dụng.

1.2 Tiềm năng của thị trường xuất khẩu yến thô

Thị trường xuất khẩu yến thô đang ngày càng mở rộng, đặc biệt là tại các quốc gia châu Á như Trung Quốc, Hong Kong, và Singapore. Trung Quốc hiện chiếm tới 80% nhu cầu tiêu thụ yến toàn cầu, trở thành thị trường lớn nhất cho yến thô Việt Nam. Ngoài ra, các thị trường như Mỹ, châu Âu, và Nhật Bản cũng đang tăng nhu cầu đối với sản phẩm này. Với giá trị dinh dưỡng cao, yến thô được ưa chuộng không chỉ trong các món ăn bổ dưỡng mà còn trong ngành công nghiệp dược phẩm.

Sau thành công xuất khẩu yến sào sang Trung Quốc cuối năm 2023, mới đây 4/2024, Việt Nam đã tiếp tục ghi dấu ấn mới khi lô hàng đầu tiên chính thức đặt chân đến thị trường Pháp. Tiềm năng lớn, tuy nhiên mặt hàng này cũng đối mặt với quy định xuất khẩu nghiêm ngặt, tiêu chuẩn chất lượng cao, cạnh tranh với các nước xuất khẩu như Malaysia và Indonesia.

Mời bạn xem thêm:

Cách làm nhà yến đạt chuẩn và hiệu quả kinh tế cao

Từ A – Z cách kinh doanh yến sào hiệu quả bạn cần biết

2. Quy định xuất khẩu yến thô

2.1 Tiêu chuẩn pháp lý

  • Theo quy định tại điểm 14, phần II, mục 2 Danh mục đối tượng kiểm dịch động vật, những sản phẩm động vật thuộc diện phải kiểm dịch ban hành kèm theo Quyết định số 45/2005/QĐ-BNN của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tổ yến là sản phẩm động vật thuộc đối tượng phải kiểm dịch động vật.
  • Do vậy, trong quá trình làm thủ tục xuất khẩu yến thô, bạn cần tiến hành đăng ký kiểm dịch với các cơ quan kiểm dịch động vật có thẩm quyền (theo Nghị định số 33/2005/NĐ-CP), đảm bảo sản phẩm đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn kiểm dịch và an toàn thực phẩm đặt ra.

Bên cạnh đó, căn cứ theo danh mục hàng hóa cấm xuất nhập khẩu được ban hành kèm theo Nghị định số 69/2018/NĐ-CP ngày 15/05/2018 của Chính phủ, yến sào không nằm trong danh mục hàng hóa cấm xuất khẩu. Do đó, doanh nghiệp, đơn vị có thể xuất khẩu yến sào và làm thủ tục xuất khẩu như những mặt hàng thông thường.

2.2 Mã HS và thuế phí đối với yến sào xuất khẩu

Theo biểu thuế Xuất Nhập khẩu năm 2024, yến thô xuất khẩu được phân loại với mã HS code như sau:

  • 0410: Các sản phẩm có thể ăn được từ động vật.
  • 0410.0010: Tổ yến.

Đối với yến thô xuất khẩu, thuế VAT hiện nay được áp dụng ở mức 0%, điều này giúp giảm chi phí sản xuất và khuyến khích xuất khẩu. Ngoài ra, yến thô không nằm trong danh sách chịu thuế xuất khẩu, do đó, thuế suất cho mặt hàng này cũng là 0%.

>>Mời bạn xem thêm: Bỏ túi 45+ mẫu tin nhắn đòi nợ khéo léo và tinh tế

3. Hồ sơ cần thiết để làm thủ tục xuất khẩu yến

tiêu chuẩn xuất khẩu yến thô
Bộ hồ sơ các nhà kinh doanh yến thô cần chuẩn bị để xuất khẩu
Nguồn ảnh: Internet

Hồ sơ đăng ký kiếm định ATTP

Sở Công thương là cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm cho các cơ sở sản xuất và kinh doanh. Bộ hồ sơ cần chuẩn bị bao gồm:

  • Đơn đề nghị cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm theo mẫu đã được Bộ Y tế quy định;
  • Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh;
  • Bản thuyết minh cơ sở vật chất, trang thiết bị, dụng cụ bảo đảm điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm theo quy định;
  • Giấy xác nhận đủ sức khỏe do cơ sở y tế cấp huyện trở lên cấp cho chủ cơ sở và người trực tiếp sản xuất, kinh doanh thực phẩm;
  • Giấy xác nhận chủ cơ sở, người trực tiếp sản xuất, kinh doanh thực phẩm đã được tập huấn kiến thức về an toàn vệ sinh thực phẩm theo quy định của Bộ trưởng Bộ quản lý chuyên ngành.

Giấy chứng nhận y tế

Bộ hồ sơ đề nghị cấp giấy chứng nhận y tế được quy định tại Thông tư số 52/2015/TT-BYT ngày 21/12/2015 của Bộ trưởng Bộ Y tế, bao gồm:

  • Đơn đề nghị cấp giấy chứng nhận y tế được quy định tại Phụ lục 08 ban hành kèm theo Thông tư số 52/2015/TT-BYT.
  • Kết quả kiểm nghiệm của từng mặt hàng thuộc lô hàng yến sào xuất khẩu.
  • Mẫu nhãn sản phẩm (Bản sao có dấu xác nhận của tổ chức, cá nhân).
  • Giấy phép kinh doanh.

Chủ kinh doanh/doanh nghiệp xuất khẩu yến thô cần nộp bộ hồ sơ đề nghị cấp giấy chứng nhận y tế tại Cục An toàn thực phẩm – Bộ Y tế. Thời gian xử lý thủ tục cấp giấy chứng nhận y tế là 05 (năm) ngày làm việc kể từ ngày ghi trên phiếu tiếp nhận hồ sơ. Trong trường hợp không cấp, cơ quan nhà nước có thẩm quyền sẽ trả lời bằng văn bản nêu rõ lý do.

Hồ sơ kiểm dịch động vật

  • Giấy đăng ký kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật theo mẫu quy định được ban hành kèm theo Thông tư số 25/2016/TT-BNNPTNT;
  • Chứng nhận đăng ký kinh doanh
  • Chứng nhận đạt đủ điều kiện an toàn thực phẩm (hoặc phiếu xác nhận công bố chất lượng sản phẩm GMP – IFS – HACCP – BRC – ISO 22000 – FSSC 22000… hoặc tương đương)
  • Nhãn dán sản phẩm
  • Kết quả kiểm định sản phẩm trong vòng 06 tháng trở lại
  • Hợp đồng gia công (nếu hợp tác với đơn vị gia công)

Giấy chứng nhận lưu hành tự do

Theo khoản 3 Điều 11 Nghị định 69/2018/NĐ-CP, hồ sơ xin cấp Giấy chứng nhận lưu hành tự do (CFS) cho hàng hóa yến thô xuất khẩu bao gồm:

  • Văn bản đề nghị cấp CFS (được quy định tại Phụ lục III ban hành kèm theo Thông tư số 12/2018/TT-BCT).
  • Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc giấy chứng nhận đầu tư.
  • Bản tiêu chuẩn công bố áp dụng đối với sản phẩm, hàng hóa xuất khẩu.
  • Danh mục các cơ sở sản xuất (nếu có).

Thương nhân gửi 1 bộ hồ sơ đầy đủ các giấy tờ như trên trực tiếp, qua đường bưu điện hoặc trực tuyến (nếu có áp dụng) tới cơ quan cấp CFS.

>>Mời bạn xem thêm: 14 cách đặt tên shop quần áo hay và thu hút khách hàng

quy định xuất khẩu yến sào
Cần thực hiện đầy đủ thủ tục giấy tờ để đủ tiêu chuẩn xuất khẩu yến thô
Nguồn ảnh: Internet

Hồ sợ tự công bố sản phẩm

Hồ sơ tự công bố chất lượng sản phẩm yến thô gồm:

  • Thông tin chi tiết sản phẩm;
  • Kết quả kiểm nghiệm chất lượng yến sào trong vòng 12 tháng;
  • Nhãn hàng hóa;
  • Giấy đăng ký kinh doanh;
  • Giấy chứng nhận cơ sở sản xuất yến đủ điều kiện an toàn thực phẩm (nếu có).

Doanh nghiệp có thể tự công bố chất lượng sản phẩm trên các phương tiện truyền thông hoặc trang web của mình, cũng như niêm yết công khai tại trụ sở. Sau đó, thông tin này sẽ được cập nhật vào hệ thống dữ liệu về an toàn thực phẩm. Nếu hệ thống này chưa có sẵn, doanh nghiệp có thể nộp hồ sơ đến cơ quan nhà nước tại địa phương.

Hồ sơ khai báo Hải Quan

  • Tờ khai hải quan
  • Hợp đồng thương mại
  • Hóa đơn thương mại
  • Vận đơn
  • Phiếu đóng gói hàng hóa
  • Các loại chứng từ, giấy tờ khác theo quy định.

4. Tiêu chuẩn xuất khẩu sang Trung Quốc

Ngày 16/11/2022, Việt Nam đã ký Nghị định thư xuất khẩu chính ngạch yến thô sang Trung Quốc, mở ra cơ hội lớn cho ngành yến. Trung Quốc, chiếm hơn 80% thị trường yến toàn cầu, là thị trường tiêu thụ yến thô lớn nhất, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Việt Nam đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu.

>>Mời bạn xem thêm: 10 cách giải vận xui buôn bán ế ẩm cho chủ kinh doanh

xuất khẩu tổ yến
Quy trình đăng ký xuất khẩu yến sang Trung Quốc
Nguồn ảnh: Internet

Nghị định thư bao gồm 16 điều về các quy định đối với nhà nuôi chim yến, doanh nghiệp chế biến tổ yến, doanh nghiệp xuất khẩu, yêu cầu đối với bao bì, ghi nhãn, yêu cầu về kiểm dịch, kiểm tra, giám sát dịch bệnh và an toàn thực phẩm.

Yêu cầu với nhà nuôi yến:

  • Phải thực hiện kiểm dịch, kiểm tra và cấp giấy chứng nhận kiểm dịch thú y cho tổ yến xuất khẩu.
  • Xây dựng và thực hiện chương trình giám sát bệnh cúm gia cầm tại nhà yến.
  • Xây dựng quy trình quản lý nhà yến và kiểm soát vệ sinh trong quá trình thu hoạch, vận chuyển tổ yến.

Yêu cầu đối với sản phẩm tổ yến:

  • Tổ yến phải được làm từ nước bọt chim yến, loại bỏ bụi bẩn, lông chim và đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng.
  • Sản phẩm phải qua xử lý nhiệt, đạt nhiệt độ 70°C trong ít nhất 3,5 giây.
  • Phải đáp ứng tiêu chuẩn theo Nghị định 13/2020/NĐ-CP và tiêu chuẩn Trung Quốc.

Nguồn gốc sản phẩm:

  • Sản phẩm phải có nguồn gốc từ nhà yến đã đăng ký với cơ quan có thẩm quyền.
  • Không thuộc vùng có bệnh cúm gia cầm trong vòng 12 tháng trước thời điểm xuất khẩu.

Yêu cầu đối với doanh nghiệp chế biến yến thô xuất khẩu:

  • Các doanh nghiệp chế biến phải đăng ký và được Tổng cục Hải quan Trung Quốc phê duyệt.
  • Phải tuân thủ yêu cầu về bao bì và ghi nhãn của Trung Quốc.
  • Bao bì phải đảm bảo vệ sinh quốc tế, ghi rõ thông tin sản phẩm như tên, trọng lượng, tên nhà nuôi yến, doanh nghiệp chế biến, điều kiện bảo quản và ngày sản xuất.

Giấy tờ kèm theo mỗi lô hàng (bản chính):

  • Giấy chứng nhận kiểm dịch thú y.
  • Giấy chứng nhận xuất xứ.

Hệ quả không tuân thủ Nghị định thư:

  • Sản phẩm không đáp ứng yêu cầu sẽ bị tạm giữ, xử lý, trả lại hoặc tiêu hủy bởi Tổng cục Hải quan Trung Quốc.

Yêu cầu đối với cơ sở nuôi yến:

  • Phải đăng ký với cơ quan có thẩm quyền, gửi danh sách cho Tổng cục Hải quan Trung Quốc.
  • Phải ghi chép nhật ký nuôi yến, thu hoạch, và chịu giám sát dịch cúm gia cầm, Newcastle.

Yêu cầu đối với doanh nghiệp chế biến:

  • Doanh nghiệp phải được Cục Thú y giám sát an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc, hệ thống xử lý nhiệt hiệu quả và quản lý chất lượng (HACCP, ISO…).
  • Phải đăng ký với Tổng cục Hải quan Trung Quốc theo lệnh 248 và được phê duyệt.

Ngoài ra, thị trường xuất khẩu sang Châu Âu cũng dần rộng mở với lô hàng yến sào Việt Nam xuất khẩu sang Pháp vào tháng 4/2024 đạt chuẩn các chất lượng kiểm định nghiêm ngặt của Pháp nói riêng và thị trường châu Âu nói chung. Để xuất khẩu sang thị trường này, các doanh nghiệp phải đạt các tiêu chuẩn về kiểm soát nguồn gốc, không có dư lượng hóa chất độc hại, và được kiểm tra nghiêm ngặt về mức độ vi sinh vật, hóa học.

Việc kinh doanh và xuất khẩu yến thô không chỉ mở ra cơ hội lớn cho các doanh nghiệp mà còn góp phần nâng cao giá trị kinh tế của ngành yến Việt Nam trên thị trường quốc tế. Hy vọng rằng bài viết của Sổ Bán Hàng sẽ giúp bạn nắm rõ hơn về các quy định và tiêu chuẩn quan trọng, tự tin vươn xa trong lĩnh vực xuất khẩu yến thô!

>> Mời bạn xem thêm:

Từ A – Z cách kinh doanh yến sào hiệu quả bạn cần biết

Kêu trời vì kinh doanh thua lỗ, nguyên nhân do đâu?

Sổ Bán Hàng cùng chủ kinh doanh giải bài toán: Làm sao để tiếp cận thêm khách hàng?

Cúng khai trương chuẩn phong tục – hút tài lộc cho chủ kinh doanh

Cách ước tính thuế chính xác khi kinh doanh thương mại điện tử

Chia sẻ bài viết: