Thuế giá trị gia tăng là gì? Cách tính thuế giá trị gia tăng mới nhất năm 2024
Thông thường, thuế giá trị gia tăng thường áp dụng ở mức từ 0% đến 10% cho mỗi đơn hàng. Tuy nhiên, vào những năm gần đây, mức thuế giá trị gia tăng đã thay đổi đáng kể do ảnh hưởng từ dịch Covid 19. Vậy thuế giá trị gia tăng là gì? Cách tính và chính sách về loại thuế này thay đổi ra sao? Hãy để Sổ Bán Hàng giúp bạn làm rõ trong bài viết sau đây nhé!
>>Có thể bạn quan tâm: Hướng dẫn đóng thuế online đối với người kinh doanh
1. Thuế giá trị gia tăng (VAT) là gì?
Căn cứ vào Điều 2 của Luật thuế giá trị gia tăng năm 2008 đã định nghĩa: “Thuế giá trị gia tăng là thuế tính trên giá trị tăng thêm của hàng hoá, dịch vụ phát sinh trong quá trình từ sản xuất, lưu thông đến tiêu dùng”.
Thuế giá trị gia tăng được áp dụng trên dựa trên sự gia tăng giá trị của sản phẩm hoặc dịch vụ. Điều này có nghĩa là doanh nghiệp chỉ nộp thuế GTGT cho phần gia tăng giá trị mà họ tạo ra, không tính vào các thành phần đã được mua từ các nhà cung cấp trước đó.
Thông thường, thuế GTGT được tính dựa trên một tỷ lệ phần trăm áp dụng lên giá trị gia tăng của sản phẩm hoặc dịch vụ. Tuy nhiên, các quy định về mức thuế và các loại hàng hóa và dịch vụ miễn thuế GTGT có thể khác nhau tùy thuộc vào quy định của từng quốc gia.
Thuế GTGT là hình thức thu thuế gián tiếp, được tính vào giá thành của hàng hóa, dịch vụ dựa trên mức thuế suất Cơ quan thuế quy định và người tiêu dùng cuối cùng sẽ là người chịu thuế.
>> Có thể bạn quan tâm: Cách xây dựng kế hoạch kinh doanh hiệu quả
2. Đối tượng cần đóng thuế giá trị gia tăng
Căn cứ vào Thông tư 219/2013/TT-BTC hướng dẫn thi hành luật thuế giá trị gia tăng đã quy định đối tượng chịu thuế GTGT là hàng hóa, dịch vụ dùng cho sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng ở Việt Nam (bao gồm cả hàng hóa, dịch vụ mua của tổ chức, cá nhân ở nước ngoài), trừ các đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng được liệt kê ở Điều 4.
Người nộp thuế giá trị gia tăng là tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ chịu thuế giá trị gia tăng (sau đây gọi là cơ sở kinh doanh) và tổ chức, cá nhân nhập khẩu hàng hóa chịu thuế giá trị gia tăng (sau đây gọi là người nhập khẩu).
>> Có thể bạn quan tâm: 7 cách làm giàu nhanh nhất trong thời đại số
3. Đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng
Căn cứ theo Điều 4 của Thông tư 219/2013/TT-BTC quy định các đối tượng không phải chịu thuế giá trị gia tăng được chia thành 7 nhóm như sau:
3.1 Sản phẩm nông nghiệp và phục vụ sản xuất nông nghiệp
- Sản phẩm trồng trọt: Chăn nuôi, thủy sản, hải sản nuôi trồng, đánh bắt chưa chế biến hoặc chỉ qua sơ chế của tổ chức, cá nhân tự sản xuất, đánh bắt bán ra và ở khâu nhập khẩu.
- Giống cây trồng, vật nuôi: Giống vật nuôi, giống cây trồng (bao gồm trứng giống, con giống, cây giống, hạt giống, cành giống, củ giống, tinh dịch, phôi, vật liệu di truyền ở các khâu nuôi trồng, nhập khẩu và kinh doanh thương mại), do các cơ sở nhập khẩu, kinh doanh thương mại có giấy đăng ký kinh doanh giống vật nuôi, giống cây trồng do cơ quan quản lý nhà nước cấp. Đối với sản phẩm là giống vật nuôi, giống cây trồng thuộc loại Nhà nước ban hành tiêu chuẩn, chất lượng phải đáp ứng các điều kiện do nhà nước quy định.
- Dịch vụ nông nghiệp: Tưới, tiêu nước, cày, bừa đất; nạo vét kênh, mương nội đồng phục vụ sản xuất nông nghiệp, dịch vụ thu hoạch sản phẩm nông nghiệp.
- Phân bón: Các loại phân hữu cơ, vô cơ như: Phân lân, đạm (ure), NPK, đạm hỗn hợp, phốt phát, bô tạt, vi sinh, các loại phân khác.
- Thức ăn gia súc: Bao gồm đã qua chế biến, hoặc chưa qua chế biến, các chất phụ gia thức ăn chăn nuôi.
- Tàu đánh bắt xa bờ: Tàu đánh bắt xa bờ có công suất 90CV trở lên khai thác hoặc dịch vụ hậu cần, máy móc chuyên dùng thực hiện khai thác, bảo quản hải sản.
>> Có thể bạn quan tâm: Cách đăng ký và bán hàng trên Amazon cực đơn giản cho người mới bắt đầu
3.2 Sản phẩm thiết yếu
- Sản phẩm muối: Muối được sản xuất từ nước biển, muối mỏ tự nhiên, muối tinh, muối i-ốt mà thành phần chính là Na-tri-clo-rua (NaCl).
- Nhà ở thuộc sở hữu nhà nước do Nhà nước bán cho người đang thuê.
- Chuyển quyền sử dụng đất.
3.3 Dịch vụ ngân hàng, tài chính, kinh doanh chứng khoán
- Dịch vụ cấp tín dụng gồm các hình thức: Cho vay, bảo lãnh ngân hàng, cho thuê tài chính, phát hành thẻ tín dụng, chiết khấu, tái chiết khấu công cụ chuyển nhượng và các giấy tờ có giá khác.
- Kinh doanh chứng khoán bao gồm: Môi giới chứng khoán, tự doanh chứng khoán, bảo lãnh phát hành chứng khoán, tư vấn đầu tư chứng khoán, lưu ký chứng khoán, quản lý quỹ đầu tư chứng khoán, quản lý công ty đầu tư chứng khoán, quản lý danh mục đầu tư chứng khoán, dịch vụ tổ chức thị trường của sở giao dịch chứng khoán hoặc trung tâm giao dịch chứng khoán, dịch vụ liên quan đến chứng khoán đăng ký, lưu ký tại Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam, cho khách hàng vay tiền để thực hiện giao dịch ký quỹ, ứng trước tiền bán chứng khoán và hoạt động kinh doanh chứng khoán khác theo quy định của pháp luật về chứng khoán.
- Dịch vụ tài chính: Bán nợ, kinh doanh ngoại tệ, hóan đổi lãi suất; hợp đồng kỳ hạn; hợp đồng tương lai; quyền chọn mua, bán ngoại tệ; các dịch vụ tài chính phái sinh khác theo quy định của pháp luật.
>> Có thể bạn quan tâm: Bán hàng online có phải đóng thuế không?
3.4 Dịch vụ an sinh xã hội:
- Dịch vụ y tế: Dịch vụ Khám chữa bệnh cho người và vật nuôi, điều dưỡng, phục hồi, chăm sóc người cao tuổi.
- Công trình văn hóa, nghệ thuật: Duy tu, sửa chữa, xây dựng bằng nguồn vốn của nhân dân, viện trợ nhân đạo công trình Văn hóa, nghệ thuật, công cộng, và nhà ở cho đối tượng chính sách xã hội.
- Dạy học, dạy nghề: Bao gồm dạy ngoại ngữ, tin học, nhạc, hội họa,… Nuôi dạy trẻ em nhằm đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ văn hóa, kiến thức chuyên môn nghề nghiệp.
- Xuất bản, nhập khẩu, phát hành báo chí: Báo, tạp chí, SGK, giáo trình, sách Văn Bản Pháp Luật,…
3.5 Dịch vụ công ích:
- Dịch vụ bưu chính, viễn thông công ích và Internet phổ cập theo chương trình của Chính phủ.
- Dịch vụ phục vụ công cộng về vệ sinh, thoát nước đường phố và khu dân cư; duy trì vườn thú, vườn hoa, công viên, cây xanh đường phố, chiếu sáng công cộng; dịch vụ tang lễ.
- Duy tu, sửa chữa, xây dựng bằng nguồn vốn đóng góp của nhân dân, vốn viện trợ nhân đạo đối với các công trình văn hóa, nghệ thuật, công trình phục vụ công cộng, cơ sở hạ tầng và nhà ở cho đối tượng chính sách xã hội.
3.6 An ninh quốc phòng
- Vũ khí, khí tài chuyên dùng phục vụ quốc phòng, an ninh.
3.7 Khác
- Hàng hóa, dịch vụ của cá nhân kinh doanh có mức thu nhập bình quân tháng thấp hơn mức lương tối thiểu chung áp dụng đối với tổ chức, doanh nghiệp trong nước.
- Sản phẩm nhân tạo dùng để thay thế cho bộ phận cơ thể của người bệnh; nạng, xe lăn và dụng cụ chuyên dùng khác cho người tàn tật.
- Vàng nhập khẩu dạng thỏi, miếng chưa được chế tác thành sản phẩm mỹ nghệ, đồ trang sức hay sản phẩm khác.
4. Các mức thuế giá trị gia tăng
Căn cứ vào Thông tư 219/2013/TT-BTC, thuế giá trị gia tăng thông thường có 3 mức bao gồm: Mức thuế 0%, 5% và 10%.
Thuế suất 0% áp dụng cho các hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu như: Hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu; hoạt động xây dựng, lắp đặt công trình ở nước ngoài và ở trong khu phi thuế quan; vận tải quốc tế; hàng hóa, dịch vụ thuộc diện không chịu thuế GTGT khi xuất khẩu, trừ các trường hợp không áp dụng mức thuế suất 0% hướng dẫn tại khoản 3 Điều này.
Thuế suất 5% áp dụng cho các hàng hóa, dịch vụ như: Nước sạch phục vụ sản xuất và sinh hoạt, quặng để sản xuất phân bón, thuốc phòng trừ sâu bệnh và chất kích thích tăng trưởng vật nuôi, cây trồng.
Thuế suất 10%: Áp dụng đối với hàng hóa, dịch vụ không được quy định tại Điều 4, Điều 9 và Điều 10 Thông tư này.
>>Mời bạn xem thêm: Thuế hộ kinh doanh là gì? Cập nhật chính sách thuế cho hộ kinh doanh mới nhất
5. Cách tính thuế giá trị gia tăng năm 2024
Có 2 phương pháp tính thuế giá trị gia tăng bao gồm:
5.1 Phương pháp khấu trừ thuế giá trị gia tăng
Phương pháp này chỉ áp dụng cho thuế GTGT đầu vào sử dụng cho hoạt động kinh doanh chịu thuế GTGT thì mới được khấu trừ. Công thức tính thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ như sau:
Số thuế GTGT phải nộp = Số thuế GTGT đầu ra – Số thuế GTGT đầu vào được khấu trừ |
Trong đó:
Số thuế GTGT đầu ra là tổng số thuế GTGT hàng hóa, dịch vụ bán ra ghi trên hóa đơn GTGT, được tính theo công thức như sau:
Số thuế GTGT đầu ra = Giá thanh toán – giá chưa thuế GTGT |
Giá thanh toán: Giá trị của hàng hóa, dịch vụ khi bán ra
Giá chưa thuế GTGT: [Giá thanh toán / (1 + thuế suất hàng hóa, dịch vụ)]
Ví dụ: Sản phẩm A có giá thanh toán là 200.000 đồng (đã bao gồm thuế GTGT và thuế suất 10%). Thì giá chưa thuế GTGT sẽ là: [200.000/ (1 + 10%)] = 181.818 đồng
Vậy số thuế đầu ra là: 200.000 – 181.818 = 18.182 đồng
Thuế GTGT đầu vào được xác định dựa trên các nguyên tắc như sau:
- Hàng hóa, dịch vụ mua vào phải là hàng hóa dịch vụ chịu thuế
- Hàng hóa dịch vụ phải được sử dụng cho hoạt động SXKD
- Hàng hóa dịch vụ mua vào được sử dụng để hình thành nên hình thức cung ứng chịu thuế
5.2 Phương pháp tính trực tiếp trên giá trị gia tăng
Số thuế GTGT phải nộp = Doanh thu x tỷ lệ (%) |
Trong đó:
Doanh thu: Tổng số tiền bán hàng hóa, dịch vụ thực tế ghi trên hóa đơn bán hàng đối hàng hóa, dịch vụ chịu thuế GTGT.
Tỷ lệ % được xác định theo danh mục ngành nghề tính thuế GTGT và thuế TNCN của Thông tư số 92/2015/TT-BTC.
>>Mời bạn xem thêm: 3 loại thuế bắt buộc phải đóng của hộ kinh doanh
6. Chính sách thuế giá trị gia tăng năm 2024 có gì thay đổi?
Theo Nghị định 44/2023/NĐ -CP ngày 30/06/2023 đã chỉ ra việc giảm thuế giá trị gia tăng các nhóm hàng hóa, dịch vụ chịu thuế 10% xuống còn 8% (nếu tính thuế giá trị gia tăng theo phương pháp khấu trừ) và giảm 20% (nếu tính thuế GTGT theo phương pháp trực tiếp theo tỷ lệ % trên doanh thu). Nghị định bắt đầu thi hành từ ngày 01/07/2023 cho đến hết ngày 31/12/2023.
Các nhóm hàng hóa, dịch vụ được giảm thuế giá trị gia tăng bao gồm: Viễn thông, công nghệ thông tin, hoạt động tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, kinh doanh bất động sản, kim loại, sản phẩm từ kim loại đúc sẵn, sản phẩm khai khoáng, than cốc, dầu mỏ tinh chế, sản phẩm hoá chất, sản phẩm hàng hóa và dịch vụ chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.
Trên đây là thông tin về thuế giá trị gia tăng và cách tính thuế giá trị gia tăng chi tiết cho doanh nghiệp và hộ kinh doanh. Bạn hãy lưu lại và áp dụng vào trường hợp đóng thuế phù hợp với quy mô kinh doanh của mình nhé. Sổ Bán Hàng hy vọng bài viết này sẽ mang lại những thông tin hữu ích cho bạn để quá trình kinh doanh được diễn ra suôn sẻ và thành công!
>>Mời bạn xem thêm: Lệ phí môn bài là gì? Mức thu lệ phí môn bài cập nhật mới nhất
**Thông tin tham khảo từ trang: Thư viện Pháp luật, Báo Chính phủ, Luật Việt Nam