Khi hàng chục ngàn chuyến xe mang tên Thành Bưởi nối dài trên các cung đường từ Nam Bộ và Tây Nguyên, ít ai biết rằng đằng sau mỗi chuyến xe ấy là câu chuyện đầy cảm động và truyền cảm hứng của ông Lê Đức Thành và vợ, bà Bưởi. Đó không chỉ là câu chuyện về xây dựng một thương hiệu vận tải ấm áp trong lòng người, mà còn để lại một di sản quý giá về tinh thần sống, tình yêu, đam mê và sự tận tụy cống hiến cho cộng đồng.
>>Mời bạn xem thêm: Điểm lại 4 chiến lược marketing của Vinamilk thành công vang dội
Khởi đầu từ cuốc xe lập nghiệp: Hành trình 24 năm yêu thương và cống hiến
Sinh thời, khi được hỏi về tên “Thành Bưởi”, ông Thành chỉ cười hề hề và giải thích: “Tại bà xã tên Bưởi. Bả làm lơ, tôi lái, lặn lội ngang dọc kiếm sống, mọi người quen gọi xe thế, và khi lập công ty cũng cứ thế…”.
Mộc mạc như chính cuộc sống, bươn chải mưu sinh và làm đẹp cho đời của hai vợ chồng ông. Những ngày tháng đầu tiên, ông Thành làm lái xe thuê, vợ chồng chung lưng đấu cật, nhận từ những việc nhỏ nhất, ngày ngày rong ruổi trên khắp các nẻo đường. Lấy nhau năm 1983 và năm 1987, hai người mới có chiếc xe 16 chỗ riêng đầu tiên, chồng làm tài xế – vợ làm lơ xe, rồi tự chạy, có nhiều khách hơn, rồi rủ, rồi nhờ bạn bè chạy cùng. Đông khách hơn, kiếm được thêm, từ từ mua thêm xe…
Từng bước một, từ những chiếc xe chở gió thuở hàn vi, tới bến bãi khang trang với hàng trăm đầu xe dọc ngang khắp các tuyến đường Tổ Quốc và trở thành một thương hiệu xe “tử tế” được lòng hàng trăm ngàn lượt khách trong suốt hơn 20 năm hoạt động.
Giữ uy tín, sống tử tế và tận tâm – phương châm sống và kinh doanh của cựu lính Trường Sơn
Xuất thân từ người lính lái xe trên con đường huyết mạch Trường Sơn những năm tháng đạn bom khốc liệt, trở về với hòa bình vẫn là người lái xe mang đậm chất lính sắt son. Ông Thành luôn tin rằng: “Muốn làm được là phải có uy tín, nhân tố con người, đạo đức”. Không cần những lý thuyết cao siêu, Công ty Thành Bưởi thực hành triết lý ấy bằng cách luôn đặt việc “phục vụ khách tử tế tối đa” lên hàng đầu.
Ông thường nói: “Mình là phục vụ, phải phục vụ cho chu đáo. Khách mang tiền tới, phải đối xử tử tế, đối xử tồi tệ là không được. Mình phải tôn trọng khách, người ta mới tôn trọng mình được”. Từ quan điểm đơn giản đó, người chủ luôn yêu cầu nhân viên phải lịch sự, chu đáo, và đối xử với khách hàng như đối xử với chính mình. Ông không chấp nhận bất cứ sự cằn nhằn hay thái độ tệ bạc nào với khách hàng, và những ai không tuân theo tiêu chuẩn này đều bị loại bỏ ngay lập tức.
Trong bức thư tiễn biệt bố gây xúc động cộng đồng mạng những ngày qua, con gái nhà xe Thành Bưởi cũng nhớ lại: “Khi con còn trẻ, con cũng lẫy vì mỗi bữa cơm Bố đều nói về xe, về khách, về hàng hóa. Nhiều lần con nói Bố ơi, Bố bỏ số điện thoại Bố ra khỏi đường dây nóng đi, để con cho tổng đài nghe, Bố nói không được, Bố phải nghe khách phản ánh cái gì để mà sửa sai, chỉ mỗi nhân viên nghe thì mình xa rời công việc, không còn biết chuyện gì sai đang diễn ra.”
Không qua phó giám đốc, nhân viên không nhiều, khách muốn phản ánh điều gì đều có thể gọi hoặc gặp thẳng Giám đốc Thành qua tấm card được phát ghi thông tin, số điện thoại gọi miễn phí và cả số điện thoại của giám đốc…
“Con là con của Bố, nhưng với Bố, khách hàng, hàng hóa, xe cộ là sự sống. Thiếu một trong những thứ ấy, Bố sẽ không còn là chính mình.” – Vận tải, phục vụ cộng đồng dường như đã trở thành lẽ sống suốt 46 năm chạy xe và 24 năm gây dựng nên Thành Bưởi của cựu lính Trường Sơn.
>>Mời bạn xem thêm: Chiến lược phát triển của Ba Huân để trở thành thương hiệu trứng “quốc dân” Việt
Bức thư tiễn biệt bố nghẹn ngào của con gái
Ngày 5/9, người thân của ông Lê Đức Thành, chủ hãng xe Thành Bưởi, cho biết ông đã qua đời vào sáng cùng ngày tại TP.HCM. Sự ra đi của ông đã để lại niềm tiếc thương và bất ngờ lớn cho nhiều người dân và hành khách. Mới đây, trên trang fanpage chính thức của hãng xe Thành Bưởi, con gái của ông Lê Đức Thành đã đăng tải một bức tâm thư dài đầy xúc động để tri ân và tiễn biệt người bố kính yêu của mình.
“Tiễn biệt Bố!
Bố kính yêu, con còn nhớ như in tuổi thơ ở Thành Phố Buồn, chiều nào con cũng đứng chờ ở cửa sắt nhà Hàm Nghi mong xe về, mong Bố về, mong Mẹ về.
Mẹ làm lơ xe, Bố làm tài xế. Lúc ấy mình chỉ có 1 chiếc xe 16 chỗ, ngày nào xe bị hư là con mừng lắm, con xin leo lên xe ngủ, Bố mở cốp hay chui xuống gầm xe sửa xe, con lăng xăng cầm đèn pin. Mùi của Bố là mùi xe, mùi nhớt, mùi dầu, mùi bụi…
Lần đầu tiên con về Sài Gòn bằng xe tải, gọi là đi Sài Gòn chơi, nhưng con quanh quẩn trong kho hàng cũ kĩ ở Trần Bình Trọng chờ Bố cho xe chất xong hàng Bố chở đi ăn cơm. Bố ngủ ở kho hàng, tắm ở kho hàng, bốc xếp sinh hoạt sao thì Bố sinh hoạt như vậy, và nhiều người ở đó, trẻ cũng như già, họ gọi Bố là Bố, con nghĩ trong lòng Bố là Bố của mình mà.
Lúc ấy, Bố không còn xe khách nữa, Bố chỉ làm xe tải, rồi Bố nói với con gái , Bố Mẹ sẽ mở Cty ở Sài Gòn, Bố Mẹ sẽ chạy lại xe khách, sẽ tiên phong làm thử ở Miền Nam cho xe chạy suốt, chạy đúng giờ, không đón khách dọc đường, không nhồi nhét khách.
Mới mười mấy tuổi, Bố nói gì cũng dạ, chứ con cũng không hiểu lắm cách làm ăn, cách chạy xe.
Trong đầu Bố không bao giờ ngừng có kế hoạch, ngừng có dự định.
Việc này chưa xong, Bố đã nghĩ ra việc khác. Bố ham học hỏi, lạc quan, tích cực.
40 năm làm con của Bố, con chưa một lần nào thấy Bố buồn bã, chưa một lần nào nghe Bố than vãn khó khăn, mệt nhọc, đau ốm.
Bố bảo: ” việc dễ thì làm nhanh, việc khó thì làm lâu, phải nhẫn nại, việc gì cũng dễ thì người ta làm hết rồi”.
Chạy xe khách lại, với cách mới của Bố, xe chở gió một thời gian rồi mình mới có khách, đêm khuya Bố vẫn đi chất hàng xe tải, hôm nào có khách đủ tiền dầu Mẹ mừng rơn.
Rồi mình có nhiều khách, rồi mình mua nhiều xe, Mẹ chỉ tìm tài xế hao hao như Bố, giỏi nghề, có tư cách, có đạo đức, ôm vô lăng ngồi trước, khách yên tâm ngồi sau, để rồi mình có một đội ngũ lái xe thời đó thiệt oách, ai cũng đẹp người, giỏi giang, cứng cáp.
Mẹ kể.. thời Mẹ 20 tuổi đi buôn thì Bố đã là tài xế.
Năm 1974 Bố đi bộ đội Trường Sơn.
Sau khi ra lính, năm 1978 Bố vào Nam chạy xe cho Xí Nghiệp Xe Khách Lâm Đồng chở vật tư. Bố siêng năng, cần cù được Bác Hào- Giám đốc thời ấy giao cho Bố cái xe khách. Mẹ là khách đi xe của Bố chạy.
Bố Mẹ lấy nhau năm 1983 và năm 1987 mới có chiếc xe 16 chỗ riêng đầu tiên. Thời xa xưa ấy bạn hàng nào cũng thích đi xe có Bố chạy, được Bố đón, được Bố chất hàng. Hàng của khách là hàng của Bố, Bố chở khách như chở người thân.
Khi con còn trẻ, con cũng lẫy vì mỗi bữa cơm Bố đều nói về xe, về khách, về hàng hóa. Nhiều lần con nói Bố ơi, Bố bỏ số điện thoại Bố ra khỏi đường dây nóng đi, để con cho tổng đài nghe, Bố nói không được, Bố phải nghe khách phản ánh cái gì để mà sửa sai, chỉ mỗi nhân viên nghe thì mình xa rời công việc, không còn biết chuyện gì sai đang diễn ra.
Khi con có tuổi rồi thì con hiểu, con là con của Bố, nhưng khách hàng, hàng hóa, xe là sự sống của Bố, thiếu một trong các thứ ấy Bố sẽ chết.
Không chỉ dạy chị em con lễ nghi, phép tắc mà Bố còn chỉ con nấu canh, kho đậu hũ, ủi áo quần. Khi con hỏi Bố con đi lấy chồng, Bố bảo” không lấy chồng mà lập gia đình” lập gia đình như lập nghiệp, học Mẹ ấy.
Bố không bày tỏ tình cảm, không nói lời hoa mỹ nhưng Bố dặn con rằng hãy học Mẹ, sống với Bố con chứng kiến tình cảm của Bố Mẹ dành cho nhau trường tồn vĩnh viễn.
Con thích cách Bố chờ Mẹ để ăn cơm cùng xong, cách chuyện gì Mẹ cũng gọi điện kể cho Bố nghe rồi hỏi ” Bố ăn cơm chưa, Bố ăn với gì”
Con ước nếu có 1 cuộc đời khác nữa, Bố Mẹ được sum vầy cả cuộc đời với nhau mà không cần sống xa nhau để hy sinh làm nhiều thứ cho cuộc đời này.
Niềm vui của Bố không phải tới chốn xa hoa, những đám tiệc tùng thâu đêm suốt sáng, không phải những nơi hào nhoáng, mà nơi trồng về cây, rồi Bố trồng trọt vì mê cây, thích trái mà con đã nghĩ Bố giống nông dân hơn là làm vận tải. Con chưa bao giờ khen dứa của Bố ngon vì con sợ Bố lại trồng thêm, con sợ Bố phải làm nhiều, đi xa rồi mệt, nhưng Bố ơi, giây phút này, ở đây con muốn nói rằng Dứa của Bố trồng rất ngon.😩
Không phải chỉ trồng cây, ươm trái, mà Bố còn là cây cổ thụ cho nhiều cuộc đời dựa, trong đó có con, các em con, và Mẹ.
Bố quan tâm nhân viên, Bố bao dung rộng lượng, nhiều người quen nói bị bệnh thì dù bận thế nào Bố vẫn dừng việc lại, nhiều lần đến tận nhà những người ấy để cho cây, cho lá.
Ai ai ở xa đến gặp Bố nhờ Bố cho lá, cho cây để chữa bệnh, Bố tạo điều kiện để họ ở lại nhà của Bố để tiện giúp đỡ.
Bố thích ăn cơm nhà nấu ❤️ Bếp lúc nào cũng có lửa hồng vì ngày nào Bố cũng ăn cơm nhà nấu.
Bố đi rồi, cái chén, đôi đũa, hạt gạo cũng nhớ Bố, cái tivi cũng nhớ Bố, cái quạt, cái ghế cũng nhớ Bố, cả những chậu cây thuốc trên sân thượng.
Bố đi rồi các cháu thiếu tiếng gọi Ông 🫣
Con chẳng thể làm được việc gì nếu không có sự nuông chiều của Bố 🪴
Với Mẹ, với con, với các em con, với các cháu, với người thân, với gia đình Bố đã đi trên con đường đầy vinh quang, cống hiến nhiều cho cuộc đời, sống chuẩn mực, điều mà rất hiếm có trong xã hội đương thời hôm nay.
Con tự hào về Bố. Cả gia đình mình tự hào về Bố. Con cảm ơn Bố Mẹ đã sinh ra các em con và con. Cảm ơn Bố đã cống hiến cả cuộc đời chỉ làm những điều tốt và đẹp.
Con cảm ơn Mẹ, cảm ơn anh Đại, các em con đã chăm sóc Bố con tận tụy những ngày tháng cuối đời.
Cảm ơn cô Yến, cô Yên đã lo cơm, nấu nước, hỗ trợ, giúp đỡ Mẹ con hết lòng.
Con cảm ơn các Cô Dì, Chú Bác, Cậu Mợ, anh chị em, bạn bè thân tín của Bố con đã thăm hỏi Bố con và động viên Mẹ con, gia đình con khi Bố con ngã bệnh.
Cảm ơn anh Tùng, tập thể anh chị cán bộ quản lý, các bạn nhân viên của Cty Thành Bưởi, Cty Lê Dương đã chăm sóc công việc suốt thời gian Chú Thành, Cô Bưởi vắng mặt thường trực.
Con cảm ơn các Bác sĩ, y tá, điều dưỡng đã hết lòng cứu chữa, nhưng Bố con tâm bệnh nặng không thể vượt qua.
Con gởi thân xác của Bố vào Đất, nguyện cầu hương linh của Bố vãng sanh.
Công dưỡng dục ngàn năm ghi tạc
Đức sinh thành muôn thuở nào quên.
Bố đi với Đất, về với Trời thì tinh thần Bố vẫn ở trong chúng con mãi mãi.
Chắp tay hướng đến Phật tiền
Cầu cho Bố được sanh miền Lạc Bang
Kính Bố!
Nam Mô Tiếp Dẫn Đạo Sư A Di Đà Phật.
(con gái)”
Một cuộc đời kết thúc, một di sản vẫn tiếp tục
Di sản mà ông Lê Đức Thành để lại không chỉ là một thương hiệu vận tải ấm mãi trong lòng khách hàng, mà còn là những giá trị nhân văn sâu sắc trong ngành. Những ngày này, đọc từng lời tiễn biệt và tiếc thương của hàng chục nghìn khách hàng đã từng trải nghiệm Thành Bưởi, mới thấy rõ Thành Bưởi đã trở thành biểu tượng của sự tận tâm, lòng nhiệt huyết và tinh thần phục vụ chân thành. Trên mạng xã hội, nhiều thế hệ sinh viên từ Lâm Đồng, Cần Thơ cũng chia sẻ từng được nhà xe Thành Bưởi hỗ trợ giá vé 30 – 50% khi đến TP.HCM thi đại học.
Giám đốc Thành đã tiên phong trong việc xây dựng “văn minh vận tải,” nơi mà mọi khách hàng đều được đối xử tử tế, công bằng và tôn trọng. Ông đã sống một cuộc đời cống hiến đủ đầy cho cộng đồng những giá trị cao đẹp, gieo hạt mầm tử tế trên mọi nẻo đường. “Với Mẹ, với con, với các em con, với các cháu, với người thân, với gia đình Bố đã đi trên con đường đầy vinh quang, cống hiến nhiều cho cuộc đời, sống chuẩn mực, điều mà rất hiếm có trong xã hội đương thời hôm nay.” (Thư tiễn biệt bố của con gái ông Thành)
Đây chính là di sản mà hai vợ chồng để lại cho ngành vận tải – tử tế và uy tín là nền tảng của mọi thành công. Và Thành Bưởi – một thương hiệu gắn liền với sự chân thành và lòng tin yêu của khách hàng!
>>Mời bạn xem thêm: Chiến lược phát triển thương hiệu Biti’s, sự trở lại đầy ngoạn mục