Donald Trump tái đắc cử tổng thống Mỹ: Kịch bản nào cho nền kinh tế Việt Nam?
Trưa 6/11/2024 theo giờ Việt Nam, ứng cử viên Đảng Cộng hòa Donald Trump giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ 2024, đánh bại Kamala Harris của Đảng Dân chủ. Chiến thắng của Trump có thể sẽ tác động đến chính sách đối ngoại của Mỹ đối với khu vực Đông Nam Á nói chung và Việt Nam nói riêng khi nước ta là một nền kinh tế mở mà doanh thu thương mại chiếm 158% GDP, Hoa Kỳ là đối tác xuất khẩu lớn nhất (xuất siêu 83 tỷ USD) và Trung Quốc là đối tác nhập khẩu lớn nhất (nhập siêu 49 tỷ USD).
>> Mời bạn xem thêm: Temu lừa đảo? Bóc trần 5 sự thật cần biết về sàn Temu
Quan hệ Việt – Mỹ trong nhiệm kỳ 45 của Trump và dưới thời Tổng thống Biden
Trong nhiệm kỳ tổng thống thứ 45 của mình (2017-2021), Trump từng ưu tiên xây dựng quan hệ đối tác với Việt Nam, song cũng quan ngại về mất cân bằng thương mại song phương và chính sách tiền tệ của Việt Nam, đưa nước ta vào danh sách các quốc gia thao túng tiền tệ năm 2020, chỉ vài tuần trước khi kết thúc nhiệm kỳ. Khi Biden lên nắm quyền, Mỹ đã gỡ bỏ cáo buộc này và công bố sẽ không đưa ra biện pháp trừng phạt nào đối với Việt Nam.
Dưới thời Tổng thống Biden, quan hệ Việt – Mỹ đã đạt nhiều bước tiến, nổi bật với việc nâng cấp lên đối tác chiến lược toàn diện vào tháng 9/2023, đánh dấu một kỷ nguyên với với sự hợp tác song phương mạnh mẽ hơn trên cả hai phương diện kinh tế và an ninh.
Kịch bản nào cho nền kinh tế Việt Nam?
Tình hình kinh tế chung
Thặng dư thương mại của Việt Nam với Mỹ đã tăng đáng kể sau khi cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung bắt đầu. Khi Trump tái đắc cử nhiệm kỳ thứ hai, vị tổng thống này có thể sẽ tập trung giảm tình trạng mất cân bằng thương mại với Việt Nam hơn là tận dụng mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện, nhìn chung có thể ảnh hưởng đến các chương trình hợp tác sâu rộng giữa hai nước.
Theo báo cáo giữa tháng 10 của hãng xếp hạng tín nhiệm Fitch, nhiệm kỳ 2 của Trump có thể kéo tụt GDP một số quốc gia châu Á, trong đó có Việt Nam – nước xuất khẩu nhiều sang Mỹ. Theo đó, với kịch bản xấu nhất, GDP thực nước ta sẽ giảm ít nhất 1% so với dự báo hiện tại của Fitch.
Áp lực giảm giá đối với VND – tác động tiêu cực đến nền kinh tế và tài chính
Mặc dù Trump liên tục khẳng định rằng USD đang bị định giá cao so với các đồng tiền khác, dẫn đến khả năng cạnh tranh giảm sút cho hàng hóa Mỹ, nhưng các chính sách mà ông đề xuất thực chất đều có thể làm tăng giá trị của đồng USD bởi thực tế, ông chủ Nhà Trắng mới cũng không muốn đánh mất vị thế của đồng bạc xanh – quyền lực mềm của Mỹ.
Trong ngắn hạn, khi Trump thực hiện các chính sách kinh tế của mình, VNĐ có thể đối mặt với áp lực mất giá lớn hơn do USD tăng giá, bởi tỷ giá hối đoái của VND chủ yếu được neo vào USD. Điều này sẽ thu hẹp không gian chính sách tiền tệ của Việt Nam, tác động tiêu cực đến nền kinh tế và lợi nhuận của ngành ngân hàng.
Tuy nhiên, “Sức mạnh nội tại của nền kinh tế Việt Nam có lẽ đủ vững để vượt qua những biến động này”, kinh tế trưởng châu Á – Thái Bình Dương HSBC Frederic Neumann nhận định.
Công nghiệp sản xuất và xuất nhập khẩu: Thách thức và cơ hội
Sự trở lại của Trump có thể đồng nghĩa với một cách tiếp cận cứng rắn hơn, như áp thuế nhập khẩu với các mặt hàng Việt Nam, đồng thời ưu tiên đưa sản xuất về Mỹ thay vì giữ nguyên vị thế của Việt Nam như một trung tâm sản xuất thay thế cho nhiều doanh nghiệp Mỹ.
Nhận định từ ông Michael Kokalari – chuyên gia của VinaCapital cho rằng: “Việc đưa sản xuất trở lại Mỹ khó có thể là mối đe dọa nghiêm trọng với các loại sản phẩm sản xuất tại Việt Nam“.
Về dài hạn, việc giảm phụ thuộc vào hàng hóa Trung Quốc là mục tiêu chiến lược trong chính sách của Mỹ gần đây. Việc áp đặt các mức thuế quan mạnh mẽ, bao gồm thuế 60% đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc và thuế 10 – 20% đối với tất cả hàng nhập khẩu sẽ làm cho hàng hóa nhập khẩu trở nên đắt đỏ hơn, có khả năng làm giảm nhu cầu tiêu dùng của Mỹ, từ đó làm giảm sản lượng và giá trị hàng xuất khẩu của Việt Nam vào Mỹ.
Thêm vào đó, Việt Nam có thể đối mặt với nguy cơ bị áp thuế chống bán phá giá do bị xem là nền kinh tế phi thị trường và thặng dư thương mại lớn với Mỹ. Điều này làm giảm lợi ích từ tái phân bổ thương mại, trong khi quy định gắt gao hơn về xuất xứ hàng hóa tăng thêm rủi ro cho doanh nghiệp Việt Nam. Đồng thời, nhu cầu giảm từ Mỹ có thể khiến hàng hóa giá rẻ của Trung Quốc tràn vào các thị trường khác, làm tổn hại đến các ngành công nghiệp trong những khu vực đó, bao gồm Việt Nam.
Tuy nhiên, đây cũng là cơ hội khi dòng FDI từ Trung Quốc dự kiến chuyển hướng sang các nước lân cận, bao gồm Việt Nam, có thể thúc đẩy GDP Việt Nam tăng thêm khoảng 0,5% so với kịch bản của chính quyền Harris. Các doanh nghiệp bất động sản khu công nghiệp, vận tải và kho bãi sẽ hưởng lợi từ làn sóng FDI và sản lượng hàng hóa tăng trưởng này.
Thời báo Tài chính Việt Nam nhận định, nếu Trump áp dụng thuế nhập khẩu đối với hàng hóa từ Việt Nam, các ngành xuất khẩu như thủy sản, dệt may, săm lốp, đồ gỗ, thép sẽ chịu áp lực lớn về thuế trong ngắn hạn và khó khăn dài hạn khi nhu cầu tại thị trường Mỹ giảm. Để giảm thiểu tác động, có thể hai nước sẽ tiến hành đàm phán nhằm đạt thỏa thuận giảm thuế với các mặt hàng như hải sản và nông sản Việt Nam. Bên cạnh đó, khó khăn này có thể được bù đắp phần nào nếu doanh nghiệp Việt Nam có thể chiếm lĩnh thị phần xuất khẩu từ Trung Quốc. Giới chuyên gia cũng cho rằng dù có thêm hàng rào thuế quan, phi thuế quan hay căng thẳng tỷ giá, xuất khẩu và kinh tế Việt – Mỹ vẫn sẽ đi lên và thuận lợi.
Chứng khoán tác động “tiêu cực” giai đoạn đầu
Theo ACBS, không có đủ bằng chứng liên kết giữa sự chuyển động của VN-Index với danh tính hoặc mối quan hệ đảng phái của Tổng thống Mỹ. Qua quan sát diễn biến của VN-Index trong 4 cuộc bầu cử gần đây, đơn vị này nhận thấy 2 xu hướng tăng ngắn và trung hạn sau cuộc bầu cử năm 2016 và 2020, nhưng cũng ghi nhận xu hướng giảm nhẹ trong ngắn hạn trước khi tăng mạnh trong trung hạn sau cả 2 lần thắng cử của Obama vào năm 2008 và 2012.
ACBS cũng cho rằng, rủi ro ngắn hạn đối với VN-Index và thị trường chứng khoán nói chung có thể cao hơn dưới thời tổng thống Trump so với tổng thống Harris.
“Điều này chủ yếu là do sự không chắc chắn mà ông Trump có thể đem lại cho môi trường kinh tế và tài chính toàn cầu. Theo lẽ thường, các thị trường chứng khoán coi sự không chắc chắn là “tiêu cực” ở giai đoạn đầu và chỉ sau đó mới đánh giá tác động thực sự của nó”, ACBS bình luận.
>> Mời bạn xem thêm: ROI là chỉ số gì trong kinh doanh? Cách tính ROI và lưu ý cần biết
Giá vàng lao dốc khi Donald Trump tuyên bố thắng cử
Giá vàng trên thị trường châu Á và châu Âu vào đầu giờ chiều 6/11 (giờ Việt Nam) lao dốc sau khi tăng liên tục khoảng 30% kể từ đầu năm và đạt mức kỷ lục hôm 30/10. Các chính sách dự kiến của Donald Trump khi tái đắc cử tác động khiến đồng USD tăng mạnh, gây áp lực lên vàng, qua đó khiến giá giảm mạnh.
Nhiều nhà đầu tư tiếp tục chốt lời vàng để tránh rủi ro vào thời điểm trước và ngay sau bầu cử. Giới đầu tư cho rằng Mỹ dưới thời tổng thống Donald Trump, nhiều nền kinh tế sẽ phải rất “dè chừng”. Tuy nhiên nhiều chuyên gia vẫn dự báo rằng, trong kịch bản Trump cũng muốn duy trì lãi suất thấp và có nhiều biện pháp hỗ trợ kinh tế, đồng USD có thể sẽ không quá mạnh, vàng sẽ ổn định trở lại và tăng giá trong năm 2025.
Giá vàng tại Việt Nam hôm nay bắt đầu có xu hướng giảm sau sức nóng của kết quả bầu cử Tổng thống Mỹ, giá vàng miếng SJC giảm xuống còn 87.000.000VND/lượng với giá mua vào và 89.000.000VND/lượng bán ra.
>> Mời bạn xem thêm: Kinh doanh Online 2024: Bí quyết thành công cho người mới
Thị trường tiền số bùng nổ sau khi giới đầu tư đón nhận tín hiệu ông Trump thắng cử
Đồng Bitcoin sáng 6/11 (giờ Việt Nam) tăng thêm 6.000 USD, lập kỷ lục 75.300 USD. Tới đầu giờ chiều, Bitcoin hạ nhiệt còn 74.400 USD.
Nhiều đồng tiền số khác cũng tăng mạnh. Ether tăng thêm hơn 7% lên vượt 2.600 USD. Được biết đến là lãnh đạo thân thiện với các tài sản kỹ thuật số, ông Trump ủng hộ tiền số hơn so với bà Harris.
Nhìn chung, sau kết quả của cuộc bầu cử, dù tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump lựa chọn giữa tiếp tục áp thuế cao làm tăng giá đồng bạc xanh hay thực hiện các biện pháp giảm giá trị đồng USD, Việt Nam đều có những lợi ích nhất định – theo Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc phân tích Công ty chứng khoán Yuanta.
Ngoài ra, vị thế mạnh mẽ của Việt Nam trên trường quốc tế hiện tại cũng như chính sách đối ngoại đa phương hóa, đa dạng hóa của nước ta sẽ đem lại khả năng chủ động đối phó với những biến động từ bên ngoài, đảm bảo ổn định kinh tế và an ninh trong bối cảnh quốc tế đầy biến động.
Nguồn tổng hợp: VNExpress, Vietnamnet, Thời báo Tài chính Việt Nam, Người Quan Sát.
>> Mời bạn xem thêm:
Ngày tốt mở cửa hàng khai trương tháng 12 năm 2024
20/11 bán gì đắt khách? Top 10 mặt hàng cho chủ kinh doanh
Hướng dẫn chi tiết cách bán hàng trên TikTok cho người mới
Cách chạy quảng cáo Facebook hiệu quả và tiết kiệm chi phí – Sổ Bán Hàng