Chu kỳ sống của sản phẩm và chiến lược cho từng giai đoạn

Chia sẻ bài viết:

Việc nắm rõ chu kỳ phát triển của một sản phẩm sẽ giúp bạn thành công trong việc lên chiến lược phù hợp và mang sản phẩm đúng cách đến với khách hàng. Sản phẩm sẽ có những thời kỳ suy thịnh khác nhau và việc của bạn chính là chớp lấy cơ hội ngay khi có thể. Vậy làm cách nào để biết được chu kỳ sống của sản phẩm? Hãy để Sổ Bán Hàng chỉ ra cho bạn trong bài viết dưới đây nhé! 

1. Chu kỳ sống của sản phẩm là gì?

Chu kỳ sống của sản phẩm (Product Life Cycle) hay còn gọi là vòng đời của sản phẩm, chính là quá trình từ khi sản phẩm được phát triển, ra mắt trên thị trường, phục vụ khách hàng cho đến khi dần mất đi giá trị và bị rút khỏi thị trường. Ở mỗi giai đoạn khác nhau, sản phẩm sẽ mang đặc trưng và chiến lược phát triển riêng. 

Chu kỳ sống đánh giá được chỉ số tương tác giữa khách hàng với sản phẩm trong từng giai đoạn cụ thể. Chính vì vậy, các nhà tiếp thị sẽ sử dụng ưu điểm của chu kỳ sống của sản phẩm để lên kế hoạch quảng bá, mở rộng chiến lược và định giá sản phẩm phù hợp. 

Hình: Chu kỳ sống của sản phẩm là gì?
Nguồn: Internet
Chu kỳ sống của sản phẩm là gì?
Nguồn: Internet

>> Có thể bạn quan tâm: Triết lý kinh doanh: Chìa khóa tạo nên sự thành công

2. Vai trò chu kỳ sống của sản phẩm

2.1 Lập kế hoạch chiến lược kinh doanh

Hiểu rõ chu kỳ sống sản phẩm giúp doanh nghiệp xác định các giai đoạn chính trong quá trình phát triển sản phẩm, từ đó thiết lập kế hoạch chiến lược kinh doanh phù hợp cho từng giai đoạn. Qua đó giúp doanh nghiệp tối ưu hóa thời gian, nguồn vốn, nhân lực và đảm bảo sự thành công của sản phẩm trên thị trường.

2.2 Xác định nhu cầu thị trường

Việc hiểu rõ chu kỳ sống sản phẩm giúp doanh nghiệp xác định nhu cầu thay đổi và biến động của thị trường trong từng giai đoạn cụ thể. Việc này giúp doanh nghiệp điều chỉnh sản phẩm để đáp ứng đúng nhu cầu và mong muốn của khách hàng.

2.3 Phát triển sản phẩm mới

Qua việc nắm rõ về chu kỳ sống của sản phẩm, doanh nghiệp có thể định hình hướng phát triển sản phẩm dựa trên nhu cầu thị trường và phân tích cạnh tranh. Doanh nghiệp có thể tạo ra các phiên bản mới dựa trên sản phẩm cũ hoặc cải tiến sản phẩm hiện có hay đưa ra một sản phẩm hoàn toàn mới để đáp ứng nhu cầu mới mẻ.

2.4 Phát triển chiến lược tiếp thị:

Hiểu rõ chu kỳ sống sản phẩm giúp doanh nghiệp xác định cách tiếp thị và quảng cáo phù hợp cho từng giai đoạn. Họ có thể sử dụng các phương tiện truyền thông khác nhau, định giá thích hợp và tạo chiến dịch tiếp thị phù hợp với tình hình thị trường và khách hàng.

2.5 Quản lý chuỗi cung ứng

Trong giai đoạn sản xuất và phân phối, chu kỳ sống sản phẩm quyết định tới cách doanh nghiệp quản lý chuỗi cung ứng. Họ cần đảm bảo sản xuất đúng lúc, đủ số lượng và chất lượng để đáp ứng nhu cầu của thị trường.

Hình: Vai trò chu kỳ sống của sản phẩm
Nguồn: Internet
Vai trò chu kỳ sống của sản phẩm
Nguồn: Internet

>> Có thể bạn quan tâm: 7 ý tưởng buôn bán không lo đụng hàng năm 2023

3. 4 giai đoạn chu kỳ sống của sản phẩm

Vòng sinh trưởng của sản phẩm thường được chia thành 4 giai đoạn chính: Giới thiệu, tăng trưởng, bảo hòa và suy thoái.

3.1 Giai đoạn 1: Ra mắt sản phẩm (Introduction)

Đây là giai đoạn bắt đầu chu kỳ của một sản phẩm khi mọi thứ xoay quanh sản phẩm được hoàn thiện và chính thức ra mắt thị trường. Ở giai đoạn này, hầu như không có nhiều khách hàng biết đến sản phẩm, vì vậy nên mục tiêu chính của thời điểm này chỉ là đưa thông tin thật chi tiết và uy tín đến người tiêu dùng mục tiêu. 

Có thể nói, đây là giai đoạn tăng nhận diện thương hiệu sản phẩm trong tâm trí của khách hàng. Chính vì vậy mà các chiến lược tiếp thị và quảng bá sản phẩm cực kỳ quan trọng bởi vì việc chuyển sang giai đoạn 2 nhanh hay không chính là dựa vào hiệu quả của các chiến lược này.

Hình: Ra mắt sản phẩm (Introduction)
Nguồn: Internet
Ra mắt sản phẩm (Introduction)
Nguồn: Internet

>> Có thể bạn quan tâm: Cách giới thiệu sản phẩm ấn tượng đến khách hàng

3.2 Giai đoạn 2: Tăng trưởng (Growth)

Sau khoảng thời gian ra mắt và phủ sóng cho sản phẩm, đây chính là giai đoạn doanh nghiệp có thể nhìn thấy rõ nhất khả năng tăng trưởng thông qua doanh số, doanh thu bán sản phẩm. Nếu giai đoạn 1 tiếp cận được nhiều khách hàng thì tỷ lệ thành công ở giai đoạn 2 này sẽ càng cao. Ở thời điểm này, doanh nghiệp có thể giảm bớt chi phí quảng cáo để tập trung vào việc phát triển sản phẩm và các chiến lược bán hàng như: Mở rộng thị trường, sản xuất, hợp tác các đại lý phân phối nhỏ lẻ,…

Doanh nghiệp cần quản lý tài nguyên một cách hiệu quả trong giai đoạn này, để đảm bảo đáp ứng đầy đủ nhu cầu tăng cao mà không gặp khó khăn trong quá trình sản xuất và cung ứng. Đây cũng là khoảng thời gian thích hợp để doanh nghiệp có thể bắt đầu phát triển các phiên bản mới của sản phẩm, cải tiến hoặc mở rộng tính năng để đáp ứng nhu cầu tiềm năng.

Hình: Tăng trưởng (Growth)
Nguồn: Internet
Tăng trưởng (Growth)
Nguồn: Internet

3.3 Bão hòa (Maturity)

Đây là giai đoạn bạn sẽ không còn thấy sự phát triển mạnh mẽ như ở giai đoạn 2. Thậm chí đến một thời điểm, tốc độ tăng trưởng sẽ có dấu hiệu chững lại và bắt đầu đi xuống. Trong giai đoạn này, sự cạnh tranh thường tăng cao vì nhiều đối thủ cạnh tranh đã tham gia vào thị trường. Điều đó có nghĩa là sản phẩm của bạn đã không còn “mới mẻ” và đột phá nữa. 

Hình: Bão hòa (Maturity)
Nguồn: Internet
Bão hòa (Maturity)
Nguồn: Internet

3.4 Suy thoái (Decline)

Sản phẩm nào trên thị trường cũng không tránh khỏi thời kỳ suy thoái. Đây là khi sản phẩm bắt đầu trải qua sự giảm mạnh về doanh số bán hàng cũng như sự quan tâm và tầm ảnh hưởng trên thị trường.

Các sản phẩm sẽ bắt đầu gặp tình trạng tồn kho lớn do không bán chạy hàng. Dẫn đến thời hạn sử dụng sắp hết, phải phá giá để cắt lỗ hay thậm chí doanh nghiệp sẽ bị khủng hoảng nếu không đẩy hàng đi được. 

Đây chính là giai đoạn khó khăn cho doanh nghiệp và cũng là thời điểm quyết định cho sản phẩm. Nếu doanh nghiệp không có chiến lược phù hợp, bắt kịp xu hướng hiện hành để phát triển một chu kỳ sống khác cho sản phẩm, thì khả năng cao sản phẩm này sẽ phải biến mất khỏi thị trường.

Hình: Suy thoái (Decline)
Nguồn: Internet
Suy thoái (Decline)
Nguồn: Internet

>> Có thể bạn quan tâm: “Thần chú” để khách chốt đơn online nhanh chóng

4. Ví dụ về chu kỳ sống của sản phẩm

4.1 Zing Me

Zing Me là mạng xã hội tích hợp chơi game lớn nhất Việt Nam vào đầu những năm 2010. Chính thức ra mắt vào tháng 8/2009, Zing Me đã dần chiếm lĩnh thị trường khi chạm mốc 4.000.000 người dùng chỉ trong 4 tháng. Tuy nhiên, với sự ra đời của nhiều mạng xã hội hấp dẫn trên thị trường, Zing Me dần lui về sau và chính thức dừng hoạt động vào năm 2020. Chu kỳ phát triển của Zing Me trải qua như sau:

Giai đoạn 1: Khi bắt đầu ra mắt thị trường, Zing Me nhanh chóng nhận được sự quan tâm của người dùng bởi giao diện đẹp mắt và dễ sử dụng. Chỉ trong 4 tháng, Zing Me chạm mốc con số 4 triệu người dùng 

Giai đoạn 2: Zing Me bắt đầu triển khai các chiến lược lớn như: Zing Open Platform tích hợp game online (năm 2010), lập kỷ lục với chương trình gây quỹ “Triệu kết nối đến Trường Sa” (2011), đạt 8 triệu người dùng vào năm 2013. Năm 2014, ra mắt hệ thống nhiệm vụ với hơn 5 triệu game thủ tham gia và hệ thống Zing Shop với hơn 1 triệu thành viên vào shop hàng tháng.

Giai đoạn 3: Bắt đầu từ năm 2015, Zing Me có dấu hiệu chững lại bởi độ phổ biến của các mạng xã hội nước ngoài như Facebook, Instagram, Twitter hay Youtube bắt đầu chiếm sóng thị trường trong nước. 

Giai đoạn 4: Bởi vì thiếu tính sáng tạo, không theo kịp xu hướng công nghệ hiện đại, đối tượng hướng đến hầu như tập trung các game thủ cho nên Zing Me đã dần lụi tàn và chính thức dừng hoạt động vào tháng 1/2020. 

Hình: Mạng xã hội Zing Me
Nguồn: Internet
Mạng xã hội Zing Me
Nguồn: Internet

4.2 Vinamilk

Vinamilk (Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam) là một trong những tên tuổi nổi tiếng hàng đầu trong ngành sản xuất và kinh doanh sữa tại Việt Nam. Được thành lập vào năm 1976, Vinamilk đã trở thành một trong những doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực thực phẩm chất lượng cao tại Việt Nam và có uy tín quốc tế.

Giai đoạn 1: Ban đầu Vinamilk với tên gọi Công ty Sữa – Cà Phê Miền Nam (1976) sau đó là Xí nghiệp Sữa – Cà phê – Bánh kẹo I (1986) và chủ yếu kinh doanh ở miền Nam. Mặc dù giai đoạn 1976 -1986, Vinamilk không quá phổ biến nhưng đây chính là nền tảng phát triển mạnh mẽ sau này.

Giai đoạn 2: Kể từ những năm 2000, Vinamilk chính thức bùng nổ trên thị trường trong nước với đa dạng mặt hàng như: Sữa tươi, sữa đặc, sữa chua,…liên tục mở rộng quy mô và xây dựng nhiều nhà máy trên khắp cả nước.

Giai đoạn 3: Trên thị trường bắt đầu xuất hiện nhiều thương hiệu sữa khác như: TH True Milk, nutifood, Dutch Lady,… với tốc độ tăng trưởng chóng mặt. Vinamilk bắt đầu có bước thụt lùi khi nhiều người có xu hướng uống sữa hạt, không bò để tránh các tác hại của hormone, kháng sinh và chất bảo quản.

Giai đoạn 4: Vào năm 2018, Vinamilk vấp phải sự sa sút khi vốn hóa đã giảm đến 6 tỷ USD trong vòng 5 năm. Tuy nhiên, Vinamilk đã có những bước chuyển mình vào giai đoạn trên đà suy thoái khi ra mắt đa dạng sản phẩm chứ không thuần sữa bò như trước. Năm 2023, Vinamilk đánh dấu sự tái cơ cấu, định vị thương hiệu theo hướng hiện đại hóa bằng việc thay đổi logo. Sự thay đổi này đã làm bùng nổ truyền thông khi người người nhà nhà thi nhau bắt trend. 

Hình: Vinamilk
Nguồn: Internet
Vinamilk
Nguồn: Internet

>> Có thể bạn quan tâm: 7 ý tưởng buôn bán không lo đụng hàng năm 2023

5. Chiến lược cho mỗi giai đoạn chu kỳ sống của sản phẩm

5.1 Chiến lược cho giai đoạn ra mắt sản phẩm

Chiến lược cho giai đoạn ra mắt sản phẩm là một phần quan trọng để tạo sự chú ý, dấu ấn và thu hút sự quan tâm của khách hàng tiềm năng. Mục tiêu chính của giai đoạn này chính là tạo được sự công nhận và lòng tin từ người dùng. Bạn có thể đánh vào tệp khách hàng luôn yêu thích sự đổi mới, độc đáo – những người sẵn sàng chi trả để thử một sản phẩm mới.

Ở giai đoạn này, bạn có thể áp dụng một trong hai chiến lược sau đây:

  • Định giá “hớt váng”: Thiết lập giá cả ban đầu cao sau đó giảm dần. Đồng thời đưa ra giá trị, thông điệp thuyết phục người tiêu dùng
  • Định giá thâm nhập: Đưa ra một mức giá thấp để gia nhập thị trường nhanh chóng và dần chiếm thị trường sau đó từ từ tăng giá theo thị trường

5.2 Chiến lược cho giai đoạn tăng trưởng

Ở giai đoạn này, doanh nghiệp không nên chi quá nhiều vào quảng bá sản phẩm mà tập trung vào các chiến lược bán hàng để đẩy mạnh doanh thu như sau:

  • Mở rộng quy mô, khu vực kinh doanh
  • Đưa ra các phương án cải tiến sản phẩm
  • Tìm kiếm kênh phân phối, đại lý để phân phối sản phẩm
  • Nghiên cứu đối tượng trên thị trường để điều chỉnh giá phù hợp
  • Chú trọng chất lượng để xây dựng uy tín trong lòng khách hàng

5.3 Chiến lược cho giai đoạn bão hòa

Đây là giai đoạn doanh nghiệp cần có những chiến lược đột phá để sản phẩm không bị lu mờ giữa thị trường cạnh tranh khốc liệt. Thời điểm này, doanh nghiệp cần tập trung vào các chiến lược sau:

  • Đổi mới Marketing: Tạo nên những chiến lược sáng tạo để làm nổi bật sản phẩm
  • Tổ chức các chương trình khuyến mãi, giảm giá để kích tiêu dùng
  • Cải tiến mẫu mã, bao bì, thương hiệu,…

5.4 Chiến lược cho giai đoạn suy thoái

Đây là lúc sản phẩm rơi vào tình trạng tụt giảm về doanh thu và khách hàng trung thành, đồng thời khó lôi kéo tệp khách hàng mới. Trong giai đoạn này, doanh nghiệp cần đưa ra những chiến lược thông minh để dần loại bỏ sản phẩm hoặc cố gắng “cứu sống” sản phẩm:

  • Tổ chức nhiều chương trình khuyến mãi, giảm giá,… để thanh lý toàn bộ sản phẩm trong kho, giảm số tiền lỗ.
  • Loại bỏ những kênh phân phối không cần thiết để tiết kiệm chi phí
  • Nếu vẫn có thể cải thiện sản phẩm, bạn có thể nâng cấp và đổi mới cho sản phẩm. Tuy nhiên không nên sản xuất nhiều để hạn chế tối đa số lượng hàng tồn kho. 
  • Bắt đầu lên ý tưởng phát triển sản phẩm tiếp theo
Hình: Chiến lược cho mỗi giai đoạn chu kỳ sống của sản phẩm
Nguồn: Internet
Chiến lược cho mỗi giai đoạn chu kỳ sống của sản phẩm
Nguồn: Internet

>> Có thể bạn quan tâm: Quy trình bán hàng: 7 bước thành công cho doanh nghiệp

Mỗi giai đoạn trong vòng đời của sản phẩm đều rất quan trọng và cần những chiến dịch phát triển riêng. Việc phân tích và xác định rõ chu kỳ sống của sản phẩm sẽ giúp doanh nghiệp dự đoán trước được các bước đi và phát triển sản phẩm một cách đúng đắn. Sổ Bán Hàng hy vọng bài viết này sẽ cập nhật được các kiến thức hữu ích dành cho bạn.

Chia sẻ bài viết: