Nhiều chợ tạm lẫn truyền thống ngưng hoạt động, các tiểu thương chọn cách nhắn tin khách quen giao hàng tận nhà hoặc bán trên nhóm online của các khu dân cư.
Ngoài việc tất cả chợ tạm phải đóng cửa, theo báo cáo của Sở Công Thương TP HCM, tính đến ngày 2/7, địa bàn thành phố đã có 93/234 chợ truyền thống tạm ngưng hoạt động để kiểm tra, đánh giá lại điều kiện hoạt động để vừa kinh doanh vừa đảm bảo chống dịch. Con số này khả năng sẽ còn gia tăng trong thời gian tới nếu dịch còn diễn biến phức tạp.
Trước tình thế này, nhiều tiểu thương đã tìm đủ cách để có thể bán được hàng, kiếm nguồn thu nhập. Chị Hoa, một tiểu thương bán thịt ở chợ tạm trên đường Hiệp Bình (Thành phố Thủ Đức) cho biết, cả tuần nay khi bắt buộc phải đóng cửa hàng theo lệnh của cơ quan chức năng để phòng dịch, tối nào chị cũng nhắn tin những khách quen để lên đơn hàng và đóng gói sẵn.
“Để giao tận nhà, mỗi khách sẽ đặt mua số lượng thịt tối thiểu 3 kg. Mỗi ngày, tôi giao cũng được vài chục kg cho khách”, chị nói và cho biết, tuy doanh số bán giảm hơn trước nhưng vẫn có nguồn thu nhập để cầm cự qua dịch.
Cũng tìm cách có thêm thu nhập ngay khi chợ Phú Thọ (quận 11) tạm ngưng, chị Thanh, một tiểu thương bán thịt heo tại chợ này chọn cách đăng bán thịt online trên các khu dân cư quận 7 gần nơi chị ở.
“Mới đầu cũng sợ không ai mua nhưng không ngờ khách đặt hàng khá nhiệt tình. Vì không có nhiều nhân sự giao hàng nên tôi chỉ bán cho dân cư quận 7 nơi gần nhà. Tôi cũng khuyến khích mọi người mua trên 5 kg để được nhận giá sỉ”, chị Thanh nói và cho biết mỗi ngày bán được một con heo.
Theo chị Thanh, ngày nào có khách sỉ đặt mua số lượng nhiều thì lên tới 3 con. Nếu tình hình buôn bán thuận lợi, sắp tới chị sẽ lên danh sách khách hàng thân thiết và nhắn tin chăm sóc họ mỗi ngày và phục vụ giao hàng tối đa qua kênh này. Chị cho biết thêm, nhờ bán hàng online mà chị có thêm nhiều khách hàng và cũng đỡ được tiền thuế phí tại chợ.
Là đầu mối sỉ lớn tại chợ đầu mối Hóc Môn, bà Huệ, chủ một sạp thịt heo tại đây cũng cho hay, từ hôm tạm ngưng chợ, bà đã đưa số điện thoại của sạp lên trang mạng của chợ và các hội nhóm liên quan để bán hàng. Riêng các mối quen lâu năm thì sạp hẹn giao tận nơi.
“Đây là giải pháp tình thế, nếu không mở bán thì khách quen sẽ tìm mối khác. Do đó, chúng tôi ngoài bán mối quen, cũng tìm thêm khách hàng để tăng doanh thu trong lúc chợ bị đóng cửa”, bà Huệ nói.
Để tháo gỡ khó khăn cho tiểu thương các chợ bị đóng cửa cũng như hạn chế ảnh hưởng đến nguồn cung hàng hóa và tâm lý người dân, ngày 2/7, Hội Quảng cáo và Hiệp hội thương mại điện tử TP HCM đã gửi đề xuất lên Sở Công Thương thành phố giải pháp xây dựng các kênh bán hàng thương mại điện tử. Theo đó, ngay tuần đầu tiên của tháng 7 có thể chọn một số chợ thí điểm, sau đó nhân rộng.
Để triển khai giải pháp này, Hiệp hội thương mại điện tử cho biết sẽ hỗ trợ các tiểu thương, thương nhân xây dựng dữ liệu nhà cung cấp, niêm yết các mặt hàng, giá cả, nguồn gốc, xuất xứ. Đồng thời, phối hợp với lãnh đạo địa phương, ban quản lý các chợ được chọn thí điểm tập huấn cho thương nhân, tiểu thương kỹ năng “mở sạp”, giới thiệu và niêm yết các mặt hàng trên môi trường số.
Ngoài ra, sẽ giúp tiểu thương kết nối, thay đổi phương thức vận hành, phân phối trên môi trường số, sử dụng điện thoại thông minh liên kết với các đơn vị vận chuyển công nghệ, các tổ chức, doanh nghiệp công nghệ ứng dụng cùng tham gia.
Mọi tiểu thương đều có thể sử dụng SoBanHang để nhanh chóng tạo cửa hàng online cho mình, đăng sản phẩm và chia sẻ tới khách hàng xung quanh khu vực.
Theo VNExpress